Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật sử dụng nước thải chăn nuôi tưới cho cây trồng

Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) hay nền kinh tế tuần hoàn áp dụng cho các hệ thống nông lương dựa trên ý tưởng của nền KTTH, sử dụng lý thuyết và nguyên tắc từ sinh thái công nghiệp nhằm tìm cách giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm chất thải phát sinh ra ngoài môi trường bằng cách khép kín vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng (Imke and Martin, 2018). NNTH là một khái niệm mới được đề cập khi mối quan tâm đến KTTH ngày càng lớn. Tuy nhiên, việc phát triển một hệ thống nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường đã được lưu ý từ lâu. Có thể hiểu NNTH là nền sản xuất nông nghiệp theo một chu trình khép kín mà ở đó chất thải hay phế phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác (Nguyễn Xuân Hồng, 2020). Nói cách khác NNTH là quy trình sản xuất hạn chế tới mức tối đa phát thải chất thải ra môi trường nhờ việc tận dụng những phế phụ phẩm làm đầu vào cho sản xuất. Theo quan điểm sinh thái học NNTH là một khái niệm sinh thái dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa việc sử dụng tất cả các sinh khối nông nghiệp tuần hoàn nhằm mục đích khép kín vòng tuần hoàn nguyên liệu và vật chất; giảm cả việc sử dụng tài nguyên và thải chất thải ra ngoài môi trường (Berkum, 2019). Như vậy mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau về NNTH  nhưng tựu chung việc ứng dụng KTTH trong sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, giảm thiểu lãng phí thất thoát một cách tối đa và đặc biệt là giảm thiểu tối đa chất thải hoặc không có chất thải.

leftcenterrightdel
 

NNTH cũng giống như KTTH có vai trò quan trọng đối với việc phát triển bền vững của mỗi quốc gia thể hiện ở một số khía cạnh cụ thể như sau:

- NNTH góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên nhờ khép kín được dòng vật chất và năng lượng trong quá trình sản xuất. Chất thải và năng lượng dư thừa của quá trình này sẽ trở thành đầu vào của một quá trình khác.

- NNTH góp phần giảm thiểu phát sinh chất thải, phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thông qua hoạt động tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và chất thải, hạn chế tối đa lượng chất thải đưa ra ngoài môi trường. Từ đó góp phần bảo vệ môi trường nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản.

- NNTH góp phần giảm chi phí sản xuất do tiết kiệm được chi phí mua sắm các yếu tố đầu vào và giảm chi phí xử lý môi trường từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Có thể nói NNTH như một giải pháp  win - win ở đó Nhà nước vừa giải quyết được các vấn đề môi trường nông nghiệp vừa xây dựng được mô hình nông nghiệp bền vững, có hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đây là xu hướng phát triển nông nghiệp đang được thúc đẩy trên thế giới và Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tác động của BĐKH đến hệ thống nông lương Thế giới.

Sử dụng nước thải sau công trình khí sinh học để tưới cho cây trồng là một trong các biện pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh sẽ thực hiện đề tài: “Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật sử dụng nước thải chăn nuôi sau công trình khí sinh học đáp ứng QCVN01-195/2022/BNNPTNT tưới cho cây trồng”  trong 2 năm 2024 và 2025.

Nhóm thực hiện đề tài sẽ đi điều tra, khảo sát 12 tỉnh tại 6 vùng kinh tế (Trung du và miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long). Sau đó, sẽ có những đánh giá về thực trạng tận dụng và sử dụng tuần hoàn nước thải sau công trình khí sinh học cho cây trồng và xây dựng các mô hình tưới cho các loại cây trồng khác nhau. Nhóm đề tài sẽ tiến hành xây dựng mô hình tưới cho các loại cây trồng: cây rau ăn lá, cây ngô sinh khối, cây cà phê, cây cao su, cây thanh long.

Kết quả thực hiện đề tài sẽ xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng nước thải chăn nuôi sau công trình khí sinh học  đã đáp ứng QCVN01- 195:2022/ BNNPTNT để tưới cho cây trồng. Từ đó, có thể tận dụng và tái sử dụng nước thải trong chăn nuôi để tưới cho một số cây trồng.

Nhóm thực hiện đề tài KHCN - Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh