Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực cùng các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số,… tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ trước mắt.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai

Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ để thực hiện công tác quản trị đất đai hiện đại, giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất đai và cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực cùng các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số,…

Theo Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, trên cả nước 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, cụ thể như: 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê năm 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 325/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.

Theo đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương này đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành, đến nay ngành Tài nguyên và Môi trường đã tích hợp, cung cấp 04 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 45 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Bước đầu triển khai thành công việc kết nối, chia sẻ và làm sạch cơ sở dữ liệu đất đai của 18 xã, phường. Cung cấp đầy đủ các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP của Chính phủ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, địa phương này là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai thực hiện Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ nên thời gian dành cho công tác chuẩn bị kéo dài. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, Ban quản lý Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với Ban quản lý Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai cấp Trung ương để triển khai công tác chuẩn bị. Đến nay, Dự án triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với 09/09 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành và đang được vận hành theo quy định.

Tỉnh Hà Nam, đã cơ bản hoàn thành điều tra, thu thập thông tin tại 100% xã/phường thuộc thị xã Duy Tiên (16 xã/phường) và thành phố Phủ lý (21 xã/phường); tiếp tục chuẩn hóa, làm sạch, chuyển đổi, xây dựng cơ sở dứ liệu liên kết thông tin dữ liệu không gian thửa đất của các xã/phường từ phiếu thu thập thông tin.

Tại Hà Nội, đến nay đã cơ bản hoàn thành điều tra, thu thập thông tin tại 100% phường thuộc quận Hoàn Kiếm (18 phường) và quận Hoàng Mai (14 phường); tiếp tục chuẩn hóa, làm sạch, chuyển đổi, xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết thông tin với dữ liệu không gian thửa đất của các phường từ phiếu thu thập thông tin.

Về vấn đề này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 38-CTrHĐ/TU ngày 4/4/2023 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo đó, về thể chế, TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, đồng thời rà soát, ban hành các quy định phù hợp với chính sách, pháp luật và thực tiễn Thành phố về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính về đất đai,… Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai để phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tra cứu thông tin đất đai bằng hệ thống điện tử và mạng Internet,…

Nhưng còn nhiều bất cập

Theo điều tra thực tiễn, kết quả xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai đạt được đến nay trên cả nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó nguyên nhân chính của hạn chế này là việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao dẫn đến tiến độ hoàn thành ở một số địa phương còn chậm; hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế.

Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao dẫn đến tiến độ hoàn thành ở một số địa phương còn chậm; hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế; trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác.

leftcenterrightdel

Nhưng vấn đề này vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện xong, tuy nhiên đến nay tỉnh Thái Nguyên chưa lựa chọn được phần mềm chính thức để quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai do chưa xác định được dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường và dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ.

Đồng quan điểm này, ông Quách Tất Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết: "Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; việc giải quyết các tồn đọng vướng mắc liên quan đến đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa được giải quyết dứt điểm; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển".

Đề xuất và bàn biện pháp gỡ vướng

Từ những khó khăn trên, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường phấn đấu đưa thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; phấn đấu hoàn thành 63/63 tỉnh, thành phố kết nối liên thông thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế, tổ chức tín dụng; thực hiện cung cấp dịch vụ công thiết yếu như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, đề xuất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương có khó khăn không tự cân đối được ngân sách cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, kê khai, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Giai đoạn 1)” để cung cấp phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin đất đai và hạ tầng công nghệ thông tin trong năm 2025 cho các địa phương theo nhu cầu với mô hình cơ sở dữ liêu quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất trong cả nước; đồng thời, hoàn thiện các đề xuất, các hành lang pháp lý đối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong Dự thảo Luật đất đai 2013 sửa đổi và trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định, Thông tư kèm theo; tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc  cho các địa phương trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương; tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng, quản lý, vân hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và các địa phương.

leftcenterrightdel

Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường phấn đấu đưa thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành 

Ở góc độ khác, theo Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các địa phương cần xây dựng phương án tổng thể với các giải pháp, nguồn lực thực hiện khả thi và tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện của từng địa phương để hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố trong năm 2025; tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã có cơ sở dữ liệu để đưa ngay vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng. Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính cung cấp trên cổng dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; khẩn trương triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành để tạo thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tổ chức triển khai trên toàn tỉnh để người sử dụng đất kê khai, đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận để bổ sung, làm giàu, làm sạch thông tin về đất đai trong cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận, cơ sở dữ liệu đất đai là một trong các cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa được quan tâm  đúng mức; các tỉnh nghèo như Ninh Thuận chưa bô trí được nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực...). Do vậy, tỉnh Ninh Thuận, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho Ninh Thuận để có điều kiện đẩy nhanh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lựa chọn phần mềm để thực hiện việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai để cung cấp cho các địa phương sử dụng thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đồng quan điểm này, ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết: "Cơ sở dữ liệu đất đai là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên thực hiện. Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ chung, thuận lợi cho việc chia sẻ, liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn quốc. Đồng thời, để duy trì vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu thường xuyên gắn với việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; đề nghị Bộ có hướng dẫn, ban hành định mức, quy định rõ cơ chế tài chính để các địa phương có cơ sở thực hiện".

Theo tainguyenvamoitruong.vn