Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, tình trạng khan hiếm và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng gia tăng. Nước ta vẫn được xếp vào trong nhóm các quốc gia có nguy cơ cao bị thiếu hụt nguồn nước do có thới 63% tổng dòng chảy bề mặt sinh ra bên ngoài lãnh thổ. Thêm vào đó lượng mưa của Việt Nam phân bố không đồng đều 80% tập trung vào 3 tháng mùa mưa, trong khi đó 9 tháng còn lại chỉ có 20% tổng lượng mưa. Trong những năm gần đây nguy cơ thiếu hụt nguồn nước mặt của Việt Nam ngày tăng cao do chất lượng các nguồn nước mặt đang có xu hướng suy giảm, hiện tượng ô nhiễm môi trường nước mặt tại các LVS lớn của Việt Nam diễn ra phổ biến do tốc độ phát triển nhanh của các ngành kinh tế, xã hội..

Thêm vào đó, Luật Bảo vệ môi trường (2020) đã quy định các nội dung cụ thể về bảo vệ môi trường nước, đặc biệt là môi trường nước các lưu vực sông. Tại khu vực nông thôn, bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 cũng đưa nội dung khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước mặt vào trong nhóm tiêu chí về. Trong đó quy định cấp huyện phải xây dựng Đề án “Kiểm kê, kiểm soát bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt” Môi trường, ở cấp xã quy định rõ phải thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải từ các cơ sở sản xuất. Từ đó có thể thấy vấn đề bảo vệ môi trường nước mặt tại khu vực nông thôn đang là vấn đề có tính thời sự và cấp thiết cao.

Chính vì vậy, năm 2023, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh đã thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án kiểm kê, kiểm soát bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn huyện Hà Trung” nhằm xác định các nguồn thải vào ao hồ và đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng các nguồn nước mặt và và phục hồi cảnh quan hệ sinh thái ao hồ trên địa bàn huyện Hà Trung.

Trong tháng 10/2023, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành điều tra, khảo sát để đánh giá các nguồn thải chính và thực hiện quan trắc môi trường nước mặt tại các sông suối, ao hồ và kênh mương chính trên địa bàn huyện Hà Trung. Cụ thể đã thực hiện lấy mẫu 39 mẫu nước mặt và 10 mẫu nước thải. Mẫu được bảo quản và vận chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích các thông số như: pH, DO, To, BOD5, COD, NH4+, NO3, PO43-, TSS, Coliform và các thông số KLN (Cu, Pb, Zn, Cd, Hg và As). Trong đó, pH, DO và To được đo ngay tại hiện trường trong quá trình lấy mẫu bằng máy đo nhanh. Thông số BOD5 được phân tích theo phương pháp nuôi cấy trong tủ định ôn ở nhiệt độ 20oC trong vòng 5 ngày (TCVN 6625:2000); COD được phân tích theo phương pháp chuẩn độ lượng dư Cr6+ bằng muối Mohn (TCVN 6491:1999); TSS được xác định theo phương pháp trọng lực (TCVN 6625:2000); các thông số NH4+, NO3, PO43- được xác định bằng máy so màu UV/VIS lần lượt theo thủ tục hướng dẫn của TCVN 6179-1:1996, TCVN 6180:1996 và TCVN 6202:2008; Coliform được xác định bằng phương pháp nuôi cấy và đếm khuẩn lạc (TCVN 6187-2:1996). Trong khi đó, các KLN (Cu, Pb, Zn, Cd, Hg và As) được đo bằng máy đo quang phổ hấp thụ nguyên tử theo thủ tục hướng dẫn của SMEWW 3111B:2012.

Các nguồn thải chính tác động đến chất lượng nước mặt của huyện Hà Trung gồm: Nước thải từ hoạt động Công nghiệp, làng nghề, khai thác khoáng sản; nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi và trồng trọt); nước thải sinh hoạt; và một số nguồn nước thải khác (y tế, trường học, bãi chôn lấp,…). Trong đó, nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt là hai nguồn tác động chính do khối lượng phát sinh lớn và chưa được kiểm soát triệt để. Đây là nguyên nhân dẫn tới nguồn nước mặt của huyện có hàm lượng các chất hữu cơ, dinh dưỡng ở mức cao (COD, BOD5, Nitơ, Phốt pho) cao. Tuy nhiên, nguồn nước của huyện hiện còn khá tốt khi chỉ số WQI dao động từ mức trung bình đến tốt, có thể sử dụng an toàn cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi, một số sông lớn chất lượng nước có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Điểm số WQI cho thấy chất lượng nước sông của huyện hiện tốt nhất, tiếp tới là nước Hồ đập, kênh mương và thấp nhất là tại các ao tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn nước mặt của Hà Trung hiện có hàm lượng amoni vượt quá ngưỡng cho phép của QCVN08:2023/BTNMT từ 2,0 - 3,3 lần do đó khi sử dụng cho các mục đích khác nhau cần chú ý tới các biện pháp giảm thiểu và loại bỏ amoni ra khỏi nguồn nước.

Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, Huyện sẽ phê duyệt Đề án để từ đó làm căn cứ triển khai, thực hiện bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt theo đúng các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Đề án. Việc triển khai thực hiện đề án sẽ góp phần giúp Huyện Hà Trung khai thác, sử dụng bền vững nguồn nc mặt; bảo vệ các hệ sinh thái thủy sinh góp phần duy trì cảnh quan tự nhiên xây dựng thành công nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

   

 

 

 

Một số kết quả của nhiệm vụ

VIỆN NGHIÊN CỨU TĂNG TRƯỞNG XANH

Adress: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Tel: 024 66583219 (Office); Hotline: 098 2332755;  Fax: 024.38361283

Email: agg@vnua.edu.vn      Web: agg.vnua.edu.vn