Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), một số cơ quan chức năng, cơ quan báo chí tổ chức khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhằm phân tích, thử nghiệm, phát hiện những hàng hóa đang lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm để thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi, vi phạm;
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng hành hóa bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Khả năng cạnh tranh của hàng hóa về chất lượng, giá cả, mẫu mã, chăm sóc khách hàng, thông tin chính xác đầy đủ về hàng hóa. Trên cơ sở đó, được người tiêu dùng tin cậy, doanh nghiệp mở rộng thị trường;
Tẩy chay hành vi cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, đo lường, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và nhà sản xuất;
Giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng hóa không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về kinh tế; thực hiện quyền góp ý với nhà sản xuất, kinh doanh, chọn mua sản phẩm, hàng hóa chất lượng và an toàn hơn.
Chương trình khảo sát và công bố kết quả khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, thực hiện phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, trung thực, khách quan và thiết thực đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Phương pháp khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường gồm 3 bước:
Bước 1: Chọn 3 mẫu hàng hóa ngẫu nhiên của doanh nghiệp tại 3 địa điểm khác nhau trên thị trương, như (Siêu thị, Cửa hàng, chợ dân sinh) có sự chứng kiến và giám sát của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cơ quan báo chí; Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm biên bản lấy mẫu và niêm phong, bảo quản mẫu theo quy định; phân tích, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa. Đánh giá kết quả chất lượng hàng hóa căn cứ trên kết quả phân tích, kiểm nghiệm chất lượng của 3 mẫu hàng hóa được lấy ngẫu nhiên trên thị trường.
Bước 2: Thành lập đoàn khảo sát tại doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm, hàng hóa được khảo sát trên thị trường (Sau khi có kết quả khảo sát trên thị trường)
Bước 3: Công bố kết quả khảo sát và kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, để xử lý hành vi, vi phạm về chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Dự kiến Quý 2 năm 2022, tại Hà Nội sẽ tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên, khảo sát thí điểm một số hàng hóa như nước uống, mỳ ăn liền, nông sản.
(Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam là Tổ chức xã hội có chức năng độc lập khảo sát và công bố kết quả khảo sát theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010 của Quốc hội)
Ban Truyền thông - AGG