Sáng ngày 17/10/2022, tại Hội trường C – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tọa đàm Khoa học về Khung lý thuyết về phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được tổ chức. Tọa đàm này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Đề tài “Phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu” – Mã số KX.04.20/21-25, thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia. Tham gia buổi tọa đàm có GS.TS. Trần Đức Viên – Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện, Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện, TS. Cao Đức Phát – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện, TS. Nguyễn Xuân Cường – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cố vấn cao cấp của Học viện, các thành viên của nhóm nghiên cứu, các thầy cô và các nhà khoa học ở trong và ngoài Học viện. 

                                                   
                                            
                                                  Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học đến dự 

Mở đầu buổi Tọa đàm, GS.TS. Trần Đức Viên – Chủ nhiệm đề tài nêu rõ mục đích của Tọa đàm là tạo diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong và ngoài Học viện thảo luận và tạo điều kiện để các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ xin ý kiến các chuyên gia nhằm xây dựng khung lý thuyết và nội dung nghiên cứu đối với phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nông dân trước bối cảnh chuyển đổi số, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp đến, PGS.TS. Phạm Bảo Dương, thay mặt Ban giám đốc Học viện, phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi tọa đàm trong việc đưa ra những thuật ngữ và nội hàm liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này kì vọng sẽ có đóng góp vào lý luận về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong văn kiện Đại hội Đảng sắp tới.

                                             
                                                           PGS.TS. Phạm Bảo Dương phát biểu tại buổi Tọa đàm 

Bài trình bày đầu tiên của TS. Cao Đức Phát về Hệ thống hóa lý luận về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân, phát triển bền vững, chuyển đổi số, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những khái niệm và nội hàm của nông dân, nông thôn, nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển bền vững đã được phân tích dưới góc nhìn mới trong bối cảnh chuyển đổi số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Bài trình bày này nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để bổ sung, để gợi ý cho nhóm nghiên cứu cân nhắc và chỉnh sửa. Chẳng hạn, tiêu chí xác định nông dân hiện nay như thế nào là phù hợp? Phạm vi của khái niệm nông thôn, cư dân nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ra sao? Quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn nên ở mức độ nào, cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và bản sắc ở khu vực nông thôn ra sao?

Bài trình bày tiếp theo là về Hệ thống hoá lý luận về phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với bối cảnh chuyển đổi số quốc gia do TS. Nguyễn Minh Đức – Phụ trách nhóm chuyển đổi số của Đề tài – trình bày. TS. Đức đã trình bày các vấn đề lý luận về khái niệm phát triển bền vững nông nghiệp, những khía cạnh chính của phát triển bền vững nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn là gì và những trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, khái niệm về phát triển nông dân. Tiếp đến, diễn giả trình bày các các vấn đề lý luận chung liên quan đến số hóa, công nghệ số và chuyển đổi số, các cấp độ chuyển đổi số và thực tế chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay.

                                             
                                                             TS. Nguyễn Minh Đức trình bày tại buổi Tọa đàm (Ảnh: Khoa Kinh tế & PTNT)

Sau đó, PGS. TS. Phan Thị Thanh Huyền tiếp tục với phần trình bày báo cáo về Hệ thống hoá lý luận về phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với bối cảnh đô thị hoá. Tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay ở Việt Nam (39%) đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân. Ngoài khái niệm về phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh đô thị hóa, TS. Huyền đã trình bày 8 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển này. Cụ thể các nhóm yếu tố ảnh hưởng gồm: Chính sách/pháp luật, Hội nhập quốc tế/chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Quan hệ sản xuất nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ, Hạ tầng nông thôn, Công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, Áp dụng KHCN, Chủ thể tham gia sản xuất, và Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và cộng đồng làng xã. Ngoài ra, tác giả cũng trình bày khung phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn, và nông dân trong bối cảnh đô thị hóa.

                     
                                             
                                                       PGS.TS. Phan Thị Thanh Huyền trình bày tại buổi Tọa đàm 

Báo cáo tiếp được trình bày trong buổi tọa đàm về Hệ thống hoá lý luận về phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu là của PGS.TS. Nguyễn Văn Lộc. Trong báo cáo này, diễn giả đã trình bày các vấn đề/khía cạnh của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tình trạng ngập lụt ở miền Trung, hạn hán ở Tây Nguyên, hay xâm nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là những ví dụ điển hình về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kế tiếp, diễn giả trình bày vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững và khung lý luận về phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Cuối cùng, một khung ứng phó với biến đổi khi hậu được trình bày.

                                             
                                              
                                                           PGS.TS. Nguyễn Văn Lộc trình bày tại buổi Tọa đàm (Ảnh: Khoa Kinh tế & PTNT)

GS. TS Trần Đức Viên tiếp tục dẫn dắt phiên thảo luận về các báo cáo vừa trình bày. Các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra nhiều trao đổi có giá trị và thú vị nhằm giúp nhóm có thể định hướng rõ một khung lý luận thống nhất và phạm vi/giới hạn tiếp cận của đề tài được rõ ràng hơn.

                                               
                                                                    Các đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm 
                                               
                                                                  Các đại biểu phát biểu sôi nổi tại buổi Tọa đàm
    

                                                                                                                                       AGG