Hệ thống xét nghiệm miễn dịch từ lâu đã là công cụ rất mạnh và hữu hiệu trong việc chuẩn đoán nhanh và hiệu quả rất nhiều căn bệnh. Từ khi đại dịch Covid bùng phát, nhu cầu về chuẩn đoán nhanh tăng mạnh. Tuy nhiên nhiều yếu tố tác động đến phát triển kit chuẩn đoán nhanh, ảnh hướng đến hiệu suất cũng như tính đặc hiệu của phương pháp, do vậy lĩnh vực này vẫn không ngừng thu hút sự quan tâm và nghiên cứu.
Ngày 06/01/2024, Nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật” đã mời chuyên gia Nhật Bản - Yoichi Kumada tới từ Đại học Kyoto đến thăm và làm việc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chia sẻ chủ đề “Phát triển xét nghiệm miễn dịch nhạy và tiết kiệm bằng cách sử dụng kháng thể tái tổ hợp”. GS. Yoichi Kumada đã giành được giải thưởng Nghiên cứu trẻ từ Hiệp hội kỹ sư hóa học, Nhật Bản (SCEJ) năm 2008 và Hiệp hội công nghệ sinh học, Nhật Bản (SBJ) vào năm 2012. Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí giảng viên thỉnh giảng của đại học Texas vào năm 2016 và đại học Ca’ Foscari của Venice vào năm 2020-2022.
Buổi seminar đã thu hút được sự quan tâm từ các cán bộ, học viên, sinh viên Việt Nam và quốc tế trong Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cũng như sự quan tâm và tham gia tới từ các đối tác của khoa như PGS.TS.BS. Nguyễn Nam Thắng (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ KHKT Y Dược - Trường Đại học Y Dược Thái Bình), TS. Đặng Thị Thanh Sơn và đoàn công tác của Bộ môn Vệ sinh thú y, Viện Thú y.
Mở đầu buổi seminar, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh đã có bài giới thiệu ngắn về Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Khoa Công nghệ thực phẩm tới các đối tác tới từ đơn vị ngoài. Đồng thời, các khách mời cũng có sự trao đổi ngắn gọn để giới thiệu đơn vị cũng như năng lực nghiên cứu của đơn vị mình.
GS Yoichi Kumada đã cho thấy kháng thể thông thường có kích thước khoảng 150 kDa được ứng dụng rất nhiều trong các kit test, chuẩn đoán ELISA, SPR sensor, xét nghiệm ngưng kết latex. Tuy vậy, giá thành của chúng rất cao, cách sản xuất khó khăn, và khó có thể thay đổi cấu trúc để gia tăng tính chuyên biệt và hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, kháng thể tái tổ hợp thể hiện sự ưu thế trong việc dễ dàng tổng hợp, cấu trúc tương tự với các kháng thể nguyên bản nhưng đơn giản hơn mà vẫn đảm bảo được chức năng cần thiết. GS cũng giới thiệu kết quả nghiên cứu để chứng minh tính ưu việt của kháng thể tái tổ hợp so với kháng thể thông thường. Thành viên tham dự đã có buổi trao đổi sôi nổi về chủ đề trình bày. Các câu hỏi giúp vấn đề được làm rõ và mở rộng hơn.
Ngoài trao đổi chuyên môn về chủ đề seminar, đoàn cũng được đi thăm phòng thí nghiệm trung tâm của Khoa Công nghệ thực phẩm. Dựa trên đặc điểm về nguồn nhân sự và cơ sở vật chất của các bên để định hướng đề xuất hợp tác các chủ đề nghiên cứu liên quan đến kit chuẩn đoán xác định các loại vi sinh vật gây bệnh thông qua thực phẩm, vi khuẩn kháng kháng sinh nhằm hỗ trợ công tác điều trị bệnh cũng như xây dựng lộ trình hợp tác năm 2024. Đây là bước đầu mở ra sự hợp tác giữa khoa Công nghệ thực phẩm, học viện Nông nghiệp Việt Nam với Đại học Kyoto, Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Viện Thú y.
Một số hình ảnh tại buổi seminar
VIỆN NGHIÊN CỨU TĂNG TRƯỞNG XANH
Adress: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.
Tel: 024 66583219 (Office); Hotline: 098 2332755; Fax: 024.38361283
Email: agg@vnua.edu.vn Web: agg.vnua.edu.vn