Nguy cơ nhiễm khuẩn nguồn nước, cách xác định và phòng tránh

Trong các nhóm chỉ tiêu gây ô nhiễm nguồn nước thì nhóm vi sinh vật được đánh giá là rất quan trọng, là tác nhân hàng đầu ảnh hưởng nhanh, trực tiếp đến sức khỏe con người do gây ra bệnh tiêu chảy, các bệnh truyền nhiễm thậm chí cả nguy cơ gây bệnh ung thư.

Để đánh giá chất lượng nước có bị nhiễm khuẩn hay không thì Vi khuẩn Coliform và E.coli là một trong những chỉ tiêu được kiểm tra đầu tiên, bởi chúng là các tác nhân phổ biến và gây hại trong hệ tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, mất nước.

Vi khuẩn Coliform: là một loại vi khuẩn gram kỵ khí, hình que và không bào tử. Chúng là nhóm vi khuẩn phổ biến và sống được trong nhiều môi trường khác nhau như đất, nước (nước uống, nước sinh hoạt và nước nuôi trồng thủy sản), thức ăn và trong phân động vật. Vi khuẩn phổ biến trong nhóm Coliform là Escherichia Coli, đây là một loại vi khuẩn thường có trong hệ tiêu hóa của người. Sự phát hiện vi khuẩn E.Coli cho thấy nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm phân

leftcenterrightdel
Nguy cơ nhiễm vi khuẩn coliform trong nước 

Tác hại của vi khuẩn Coliform: có thể gây ra các rối loạn tạo nên chứng tiêu chảy gây mất nước, rối loạn máu, suy thận hay thậm chí là tử vong. Sự nguy hại của loại vi khuẩn này càng nghiêm trọng hơn ở người già và trẻ em do đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu. Trong khi đó, các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, chủ yếu là tiêu chảy và sốt nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Việc này làm lỡ cơ hội điều trị bệnh kịp thời từ giai đoạn sớm

Escherichia coli (thường được viết tắt là E.coli) hay còn được gọi là vi khuẩn đại tràng. Chúng là một trong những loài vi khuẩn chính ký sinh trong đường ruột của động vật máu nóng (bao gồm chim và động vật có vú). Vi khuẩn này cần thiết trong quá trình tiêu hóa thức ăn và là thành phần của khuẩn lạc ruột. Sự có mặt của E. coli trong nước là một chỉ thị thường gặp cho ô nhiễm phân. E. coli thuộc họ vi khuẩn Enterobacteriaceae và thường được sử dụng làm sinh vật chỉ điểm cho các nghiên cứu về ô nhiễm nguồn nước ăn uống và sinh hoạt. Có nhiều loại E. coli, nhưng phần lớn chúng có thể nói là vô hại. Tuy nhiên, một số E. coli có thể gây tiêu chảy, và loại phổ biến nhất trong nhóm E. coli có hại này là E. coli O157:H7. Ở vài bệnh nhân, vi khuẩn này có thể gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu E.coli xuất hiện trong nước có nghĩa là có sự ô nhiễm và các mầm bệnh khác có thể có mặt

leftcenterrightdel
Nguy cơ nhiễm vi khuẩn e.coli trong nước 

 

Tác hại của E.coli : Đa số người bị nhiễm E.coli thời gian đầu không có triệu chứng mắc bệnh. Thời gian ủ bệnh của loại vi khuẩn này là khoảng 3-4 ngày, sau đó một loạt các triệu chứng đường ruột xuất hiện. Các triệu chứng có thể là tiêu chảy nhẹ, sốt nhẹ hoặc tiêu chảy ngắt quãng không kèm theo sốt. Tùy từng trường hợp mà biểu hiện bệnh khác nhau nhưng phần lớn các trường hợp nhiễm E.coli thường tự hồi phục, điều trị chủ yếu bằng bù nước và điện giải.

Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi và người già, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và có thể phát triển hội chứng tăng urê máu có tán huyết gây suy thận, xuất huyết và các vấn đề thần kinh khác. Tỷ lệ tử vong là khoảng 3-5% ở những trường hợp này.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng vi khuẩn Coliform có trong nước như sau:

·      Trong nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT): Hàm lượng Coliform tổng số là 0 vi khuẩn/100ml;

·      Trong nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT): Hàm lượng Coliform tổng số được cho phép là 50 vi khuẩn/100ml;

·      Trong nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT): Hàm lượng Coliform được cho phép là 3000 mg/l đối với nước thải loại A và 5000 mg/l đối với nước thải loại B.

Nguyên nhân làm nước có vi khuẩn E.coli và Coliform:

·      Xử lý nước thải và bể tự hoại không đúng cách.

·      Không xử lý phân động vật đúng cách trước khi thải ngoài môi trường.

·      Nước mưa chưa qua xử lý.

·      Xung quanh môi trường sống của vật nuôi, nuôi trồng hoang dã.

·      Trong nguồn nước ngầm bị ô nhiễm (vi khuẩn gây hại được chảy theo vào sông, hồ..)

Kỳ hạn kiểm tra vi khuẩn Coliform và E.coli trong nước:

·      Kiểm tra chất lượng vi khuẩn 6 tháng/lần

·      Kiểm tra chất lượng hóa học 2 năm/lần

·      Kiểm tra thường xuyên hơn nếu có những thay đổi về phẩm chất vật lý như mùi vị, màu sắc

Nếu E.coli không có nhưng tổng Coliform lơn hơn 0 có thể:

·      Xuất hiện một lớp vi khuẩn phát triển trong hệ thống ống nước, lớp vi khuẩn này được gọi là màng sinh học.

·      Nguồn nước mặt có thể đã tràn vào giếng, điều này làm tăng nguy cơ kéo theo chất thải động vật gây ô nhiễm nước.

·      Nước giếng có thể đến từ các tầng nước có chứa vi khuẩn, thường gặp với giếng nông như giếng đào hay giếng khoan nhưng không sâu.

Giải pháp khắc phục:

Nếu có mặt E.coli cần:

·      Kiểm tra việc xây dựng và sửa chữa giếng. Kiểm tra khoảng cách phân cách giữa các giếng và các nguồn ô nhiễm. Nếu xác định có thể nguồn gốc của E.coli do giếng gần một hệ thống tự hoại bị hỏng, cách tốt nhất là thay giếng mới.

·      Sử dụng hệ thống xử lý nước nếu chưa thể khoan giếng mới và khó sửa chữa

Nếu không có E.coli nhưng tổng Coliform lớn hơn chuẩn:

·      Nếu màng sinh học đã phát triển trong hệ thống đường ống cấp nước, cần tiến hành khử trùng đường ống cấp nước.

·      Nếu do nước mặt tràn vào giếng: cần tìm biện pháp khắc phục.

·      Nếu do nước giếng xuất phát từ tầng ngập nước có chứa vi khuẩn có thể khoan một cái giếng sâu hơn hoặc dùng hệ thống xử lý nước.

Xử lý nước nhiễm E.coli và Coliform bằng các cách sau:

·      Khử trùng bằng Clo

·      Khử trùng bằng ozone

·      Khử trùng bằng tia cực tím

·      Chưng cất nước

Qua bài viết Nước sinh hoạt nhiễm khuẩn trên đây của agg.vnua.edu.vn hy vọng bạn đọc sẽ hiểu hơn về những nguy hiểm mà loại vi khuẩn E.coli và Coliform thường gặp trong nước này gây ra, giúp bạn phòng tránh được những tác hại không đáng có của nó.

Hiện nay, tại Phòng phân tích kiểm nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu Tăng Trưởng Xanh thực hiện phân tích Coliform, E.coli sử dụng phương pháp ( SMEWW 9221B&B&G:2017) trong nước, phương pháp này thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 17025 và được cấp phép hoạt động dịch vụ về quan trắc môi trường (VIMCERT).