Green lifestyle: international experiences and lessons for Vietnam

Abstract:

    Green lifestyle which has an important role and significance in sustainable development, is a modern lifestyle that reflects people's attitudes and behaviors towards minimizing the negative impacts on the environment and improving their quality of life. By synthesizing and analyzing a number of documents, the article outlines some basic issues on green lifestyle, pointing out the experiences of some countries in the world in practicing green lifestyle in the aspects of sustainable food consumption, using recycled products and saving energy. The article also recommends some lessons in building and developing this lifestyle in Vietnam.

Keywords

JEL Classifications: O13,O44,Q56.

1. Đặt vấn đề

    Sống xanh (green living) là việc đưa ra những lựa chọn bền vững trong các hoạt động thường ngày của con người. Con người có thể thực hành sống xanh trong các hoạt động tại nơi làm việc và nơi sống. Những lựa chọn hàng ngày có thể tạo ra một lối sống bền vững. Do đó, lối sống xanh được hiểu là sự hiện thực hóa các giá trị sống xanh thông qua hoạt động sống của con người.

    Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển lối sống lối sống xanh bởi nó góp phần nâng cao sức khỏe, BVMT và rộng hơn có vai trò và ý nghĩa to lớn với sự phát triển bền vững (PTBV). Ngày càng có nhiều người tiêu dùng nhận ra rằng hành vi tiêu dùng của họ có tác động đến môi trường và có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội hơn (Liina Häyrinen và cộng sự, 2016). Tác động của những thay đổi về lối sống và mô hình tiêu dùng đã được nhấn mạnh như một vấn đề nghiên cứu quan trọng liên quan đến thay đổi môi trường toàn cầu (Solecki et al., 2015; Creutzig et al., 2018; Koide et al., 2021, dẫn theo: Yu-Sheng Shen et al, 2022). Chính sách của Chính phủ cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến thúc đẩy lối sống xanh (Jijian Zhang và Tianjiao Zheng, 2023).

    Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 đã nêu rõ mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Cụ thể, xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

    Thực hiện mục tiêu trên, lối sống xanh đã được hình thành ở một số phong trào như kích cầu tiêu dùng xanh, đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông. Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê đã sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa… Tuy nhiên, các phong trào này còn nhỏ lẻ, chưa trở thành lối sống rộng rãi trong cộng đồng. Do đó, nghiên cứu kinh nghiệm thực hành lối sống xanh của các nước trên trên thế giới để rút ra bài học cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay là rất cần thiết. Dựa trên tổng quan, phân tích một số tài liệu trong nước và nước ngoài, nghiên cứu khái quát một số vấn đề cơ bản về lối sống xanh, chỉ ra kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới trong thực hành lối sống xanh trên các khía cạnh tiêu dùng thực phẩm bền vững, sử dụng sản phẩm tái chế và tiết kiệm năng lượng. Nghiên cứu cũng đề xuất bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng và phát triển lối sống xanh.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề lý luận chung về lối sống xanh

    Khái niệm lối sống là đa chiều và có nhiều cách tiếp cận khác nhau, trong đó cách tiếp cận văn hóa và xã hội là hai cách được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Dưới góc độ văn hóalối sống của con người là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người trong những điều kiện sống xác định. Dưới góc độ xã hội học, lối sống được quan niệm là toàn bộ hành vi xã hội được khuôn mẫu hóa. Lối sống được coi là khuôn mẫu, thường xuyên, lặp đi, lặp lại, phổ biến hoặc “các hoạt động thường lệ” (Cohen và Felson, 1979).

    Tương tự vậy, lối sống xanh, dưới góc độ văn hóa, được hiểu như một nền văn hóa cam kết sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường để giảm thiểu phát thải khí nhà kính (Ji Won Ha et al., 2023). Thậm chí rộng hơn, nó không chỉ đề cập đến việc tiết kiệm tài nguyên và năng lượng mà còn đề cập đến việc theo đuổi một lối sống tổng thể thân thiện với môi trường (Myeong, 2012). Từ cách nhìn của xã hội học, lối sống xanh đề cập đến thái độ, hành vi và thực hành xanh, hành vi BVMT của các cá nhân trong cuộc sống hàng ngày của họ (Chuah, S.C. et al., 2021; Qiaoqiao Zheng et al., 2023).

    Lối sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên, BVMT, bảo tồn tài nguyên, tiêu dùng xanh là những đặc điểm thiết yếu của lối sống xanh (Zhou và Fang, 2019: dẫn theo Qiaoqiao Zheng et al., 2023). Lối sống này được thể hiện qua các hành vi công dân xanh (mua sắm xanh, sử dụng sản phẩm xanh, tham gia các phong trào sống xanh…), được thực hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại và có tính liên tục. Cách sinh hoạt, việc sản xuất và tiêu dùng của từng người dân có tác động trực tiếp, thậm chí là đáng kể đến vấn đề môi trường và sức khỏe. Việc thực hiện các hành vi công dân xanh giúp họ duy trì một cuộc sống lành mạnh, khỏe mạnh, giảm thiểu hoặc không gây tổn hại đến môi trường xung quanh.

    Lối sống xanh được hình thành do yêu cầu bức thiết của vấn đề môi trường (biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu) cần giải quyết. Hoạt động của con người là động lực chính gây ra tình trạng lạm dụng tài nguyên, ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học (Albayrak et al., 2013; Arisal và Atalar, 2016: dẫn theo J. Hidalgo-Crespo và J.L. Amaya-Rivas, 2024). Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), cần phải thay đổi phương thức sản xuất và lối sống vì biến đổi khí hậu có liên quan chặt chẽ đến sản xuất và lối sống của con người (X. Cheng et al., 2019).

    Các yếu tố tác động đến lối sống xanh bao gồm:  Giá trị sống xanh, nhận thức, mối quan tâm về môi trường và hành vi công dân xanh (Lin và Niu, 2018; Choon et al., 2019: dẫn theo: Qiaoqiao Zheng và cộng sự, 2023; Choi và cộng sự, 2015); tôn giáo và chuẩn mực xã hội đều được công nhận là động lực thúc đẩy hành vi mua xanh hướng tới BVMT (J. Hidalgo-Crespo, J.L. Amaya-Rivas. 2024). Quy định pháp luật về môi trường gồm quy định chính thức và phi chính thức (X. Cheng et al., 2021; Qiaoqiao Zheng và cộng sự, 2023). Yếu tố công nghệ và mức độ đổi mới xanh phản ánh một cách khách quan sự thuận tiện cho người dân khi áp dụng lối sống xanh. Việc áp dụng kỹ thuật số thực sự đã thúc đẩy thái độ và hành vi ủng hộ môi trường (Jiajia Li, Jun Li, Jian Zhang, 2024); sở thích, yếu tố thu nhập và cường độ tương tác cũng có tác động đối với việc ra quyết định của người dân về lối sống bền vững (Xiu Cheng et al., 2019; Seungwoo Han, Yookyung Lee, 2022).

2.2. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới trong thực hành lối sống xanh

2.2.1. Thực hành lối sống tiêu dùng thực phẩm bền vững

a. Tiêu dùng thực phẩm bền vững

    Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio lần đầu tiên thừa nhận tầm quan trọng của việc thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy tính bền vững. Năm 1994, Hội nghị chuyên đề Oslo về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã phát triển định nghĩa đầu tiên được công nhận trên toàn cầu về tiêu dùng bền vững “việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, vật liệu độc hại, phát thải chất thải và các chất gây ô nhiễm trong suốt vòng đời, để không gây nguy hiểm cho nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Theo đó, tiêu dùng thực phẩm bền vững bao gồm một chu trình từ sản xuất, lựa chọn sử dụng và thải bỏ bền vững thực phẩm được các nước trên thế giới áp dụng rộng rãi.

    Trong sản xuất thực phẩm tại Vương quốc Anh, mô hình canh tác nông nghiệp “chia sẻ đất đai” được triển khai thực hiện hướng tới đồng thời hai chức năng là sản xuất và duy trì động vật hoang dã (The Food Foundation, 2021). Tổ chức thực phẩm Vương quốc Anh cũng đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc sản xuất, khuyến khích sử dụng sản phẩm xanh (The Food Foundation, 2020). Ủy ban châu Âu đã ban hành Chiến lược từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork - F2F), trong đó nêu các mục tiêu chuyển đổi xanh trong nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm.

    Chế độ ăn uống lành mạnh, bảo vệ và tôn trọng đa dạng sinh học và hệ sinh thái, được chấp nhận về mặt văn hóa, dễ tiếp cận, công bằng về mặt kinh tế và giá cả phải chăng; đủ dinh dưỡng, an toàn và lành mạnh, đồng thời tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người (FAO, 2010). Chế độ ăn này thúc đẩy việc tiêu thụ nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, chất béo không bão hòa, một lượng vừa phải hải sản và thịt gia cầm, không hoặc ít thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ít thêm đường, muối. Một số ví dụ điển hình về chế độ ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe như: chế độ ăn uống cân bằng khu vực Địa Trung Hải; chế độ ăn DASH (chế độ ăn ngăn ngừa cao huyết áp); chế độ ăn truyền thống của người Nhật.

    Giảm lãng phí thực phẩm được định nghĩa là việc giảm lượng thực phẩm được sử dụng để tiêu thụ trong chuỗi cung ứng do mất mát, hư hỏng, thải bỏ hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác (FAO, 2014). Lãng phí thực phẩm gây thất thoát tài nguyên, và tạo ra nhiều gánh nặng kinh tế. Do đó, nhiều quốc gia đã ban hành chiến lược, chính sách để ứng phó cũng như giải quyết từng bước tình trạng này, trong đó có thể kể đến các nước Mỹ, Trung Quốc.

    Năm 2024, Mỹ đã ban hành Chiến lược quốc gia nhằm giảm lãng phí thực phẩm (National Strategy for Reducing Food Loss and Waste and Recycling Organics) ở cấp độ người tiêu dùng nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, giải quyết thách thức giảm lãng phí thực phẩm ở cấp độ người tiêu dùng từ góc độ hệ thống, toàn diện liên quan đến chính quyền các cấp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức thương mại, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức tình nguyện, tổ chức giáo dục ở mọi cấp độ và các Quỹ (National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine, 2020). Ngoài ra, để khuyến khích phục hồi lương thực, giảm lãng phí thực phẩm, Mỹ cũng ban hành chính sách bảo vệ trách nhiệm pháp lý và ưu đãi thuế đối với các nhà tài trợ thực phẩm và các sáng kiến thúc đẩy hoạt động quyên góp lương thực. Chính phủ liên bang đã thông qua Đạo luật quyên góp thực phẩm cho người Samaritan nhân hậu Bill Emerson năm 1996 (gọi tắt là Đạo luật Emerson và được bổ sung sửa đổi thành Luật Cải thiện quyên góp thực phẩm (Food Donation Improvement Act - FDIA) vào năm 2023.

    Vấn đề lãng phí thực phẩm xuất hiện trong chính sách công của Trung Quốc vào đầu những năm 2000 và bắt đầu nổi lên như một vấn đề chính sách vào năm 2002 khi thông tư của Hội đồng nhà nước nhằm tăng cường hơn nữa việc tiết kiệm ngũ cốc và giảm lãng phí thực phẩm đã xây dựng các biện pháp chi tiết về đánh giá thất thoát và giảm lãng phí lương thực ở Trung Quốc. Vấn đề này nhận được sự chú ý trên quy mô lớn trong thập kỷ qua, khi cách tiếp cận quản lý của Trung Quốc chuyển từ hạn chế đạo đức sang xử phạt lãng phí thực phẩm với sự ra đời của Luật chống lãng phí thực phẩm tháng 4/2021 (Y. Feng, C. Marek & J. Tosun, 2022). Đáng chú ý, không giống như các nước phương Tây, luật pháp Trung Quốc tập trung vào ngành cung cấp dịch vụ ăn uống thay vì hộ gia đình.

    Việc quản lý, xử lý chất thải thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với công tác BVMT. Đài Loan là quốc gia đi đầu trong việc quản lý chất thải thực phẩm, bằng cách ban hành Đạo luật quản lý chất thải (Waste Management Act - WMA). Năm 2001, Chính phủ Đài Loan đã ban hành các quy định quản lý việc định giá chất thải nhà bếp (bao gồm cả dầu ăn thải) từ chất thải phi công nghiệp (dân cư) và chất cặn có nguồn gốc từ thực phẩm từ các nguồn công nghiệp bằng cách chỉ định chúng là những vật phẩm có thể tái chế bắt buộc theo sự cho phép của cơ quan quản lý chất thải. Lượng chất thải thu gom đều phải báo cáo trực tuyến hàng tháng, nếu thực phẩm thu gom trong khu dân cư thì phải báo cho Bộ Môi trường (MOE) còn nếu có nguồn gốc liên quan đến ngành công nghiệp phải báo cáo cho cơ quan BVMT (Enviromental Protection Agency-EPA).

b. Tiêu dùng sản phẩm tái chế

    Sử dụng sản phẩm tái chế là một hành động nhằm BVMT, xuất hiện cùng với lối sống không rác thải (Zero waste lifestyle). Ý tưởng về không chất thải lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2000, bắt đầu lan rộng trên toàn cầu vào năm 2013. Lối sống không rác thải được mô tả là việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ một cách có tâm, thúc đẩy các cá nhân sống không rác thải nhất có thể, trong đó việc tái chế được sử dụng như giải pháp cuối cùng (Ramjaun, 2021).

    Tại nhiều quốc gia trên thế giới, lối sống này đã hình thành và thu hút sự tham gia của nhiều người đặc biệt là nhóm người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Nur Suhaila Zulkifli, Latifah Abd Manaf (2024) chỉ ra rằng các biện pháp thực hành không rác thải được chia sẻ giữa những người dùng trực tuyến cho thấy nỗ lực chung của từng cá nhân trong cộng đồng không rác thải trực tuyến bắt đầu ảnh hưởng đến sự thay đổi xã hội ở Malaixia.

    Sự sẵn lòng chấp nhận và sử dụng sản phẩm tái chế của người dân góp phần quan trọng trong thúc đẩy lối sống không rác thải. Milja Räisänen, Sari Kauppi (2022) đã tiến hành một cuộc khảo sát ở Phần Lan cho thấy, 93% người tiêu dùng sản phẩm nhựa tái chế hài lòng với sản phẩm đã mua và sẽ mua lại sản phẩm. Việc sử dụng nhựa tái chế được cho là đã tác động tích cực đến quyết định mua hàng của 86% người tiêu dùng. C. Herrmann et al. (2022) tiến hành một nghiên cứu tại Đức cho thấy, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về môi trường và có mức độ sẵn sàng chi trả tích cực cho các loại bao bì thay thế. Ở Canada, quốc gia Bắc Mỹ này không có tỷ lệ tái chế cao nhất thế giới, nhưng có nền văn hóa kinh tế tuần hoàn sâu xa khiến người Canada bán hoặc tặng những sản phẩm họ không còn sử dụng thay vì vứt bỏ chúng, v.v..

    Chính phủ các quốc gia thông qua chính sách được ban hành góp phần không nhỏ trong việc hình thành cũng như thúc đẩy lối sống xanh thông qua việc tái chế sản phẩm cũng như thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm tái chế. Đáng chú ý, vào năm 2008, Ecuador đã đạt được một cột mốc quan trọng trong lý thuyết chính trị xanh khi trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa tư duy sinh thái vào hiến pháp của mình và sau đó, vào năm 2020, Luật hữu cơ về hợp lý hóa, tái sử dụng và giảm thiểu nhựa dùng một lần đã được ban hành với mục đích điều chỉnh việc tạo ra rác thải nhựa thông qua việc sử dụng và tiêu thụ có trách nhiệm (Ecuador, CPEC, 2008: dẫn theo J. Hidalgo-Crespo và cộng sự, 2024).

    Năm 2001, Chính phủ Đài Loan quyết định thực hiện Chương trình khuyến khích tái chế rác thải nhà bếp. Rác thải nhà bếp được tái chế để có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc và sản xuất phân vi sinh. Dựa trên các quy định trong Đạo luật quản lý chất thải, rác thải thực phẩm được xử lý nhằm thực hiện phương án bình ổn hóa chất thải có nguồn gốc thực phẩm từ các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp. Họ tập trung vào các biện pháp truyền thống, bao gồm xử lý tại chỗ (như phân bón hữu cơ), che phủ cây trồng/hạt giống, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, vật liệu lót chuồng/đệm (chuồng chăn nuôi/gia cầm) và nhiên liệu sinh khối (Wen-Tien Tsai, Chi-Hung Tsai, 2024). Năm 2002, sau khi thực hiện thành công Chương trình tái chế rác thải tập trung vào rác thải nhà bếp, Cơ quan BVMT (EPA- Environmental Protection Agency) của quốc gia này đã bước đầu thực hiện đạo luật về tái chế, tái sử dụng tại nguồn các loại rác thải như: Túi ni lông, các loại cốc, đĩa, thìa, đũa dùng 1 lần. Năm 2005, Đài Loan thực hiện chiến dịch phân bổ thùng phân loại rác thải. Đồng thời, ban hành cơ chế xử phạt các cá nhân không thực hiện phân loại rác (Lê Thanh Nga, 2014).

    Tại Đức, khác với các chính sách tái chế nhựa ở nhiều nước châu Âu, Hệ thống kép (The Dual System) của Đức được thành lập vào đầu những năm 1990, nhằm mục đích cung cấp một hệ thống quản lý toàn diện cho việc tái chế nhựa sau tiêu dùng. Theo hệ thống này, các công ty không cần phải thu hồi bao bì đã trở thành rác thải của mình hoặc thu hồi từ khách hàng nếu họ ủy quyền cho Hệ thống kép làm việc đó. Đổi lại, họ trả phí giấy phép như một khoản thù lao. Sau đó, Hệ thống kép chịu trách nhiệm thu thập, phân loại và tái chế bao bì nhẹ từ khu vực sau tiêu dùng. Bao bì được Hệ thống kép thu thập và tái chế phải được dán nhãn là Dấu chấm xanh để phân biệt với các bao bì khác. Theo nhận định của Rothgang et al. (2017), Öko-Institut (2002, 2016, 2022), việc áp dụng Hệ thống kép dần dẫn đến sự xuất hiện của một thị trường hoạt động để thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhẹ sau tiêu dùng (Dẫn theo: Jochen Dehio et al., 2023).

2.2.2. Tiết kiệm năng lượng

    Nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng trong bối cảnh tăng dân số và sự thịnh vượng giàu có hơn trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia sử dụng công nghệ đốt rác phát điện (Waste-to-Energy - WtE) giúp chuyển đổi năng lượng từ rác thải thành điện, vừa đáp ứng nhu cầu về năng lượng vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tại Thụy Điển, 96% rác thải được tái chế. Không đủ nguồn rác thải để tạo ra điện sưởi ẩm, quốc gia này còn nhập khẩu rác từ các nước “hàng xóm”. Hàng năm, hơn 30 lò đốt đặt trên lãnh thổ Thụy Điện đã xử lý 5,5 triệu tấn rác và chất thải trong đó 20% là nhập từ Nauy, Anh hoặc Italy. Tương tự, tại Singapo, 38% lượng rác thải được đốt để tạo ra điện, 60% được tái chế, chỉ có 2% lượng rác thải rắn chôn lấp. Tính đến 2018, bốn Nhà máy điện từ rác thải của Singapo đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của cả nước và dự kiến sẽ xây dựng thêm Nhà máy để xử lý rác thải biến thành điện năng tiêu thụ (Trung tâm sáng kiến cộng đồng và môi trường-CE, 2018).

    Ở Nhật Bản, mức tiêu thụ năng lượng giảm dần từ năm 2008. Yếu tố dẫn đến những chuyển biến tích cực này có thể kể đến việc chính phủ đã ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng năm 1979. Cho đến nay vẫn là tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng đối với máy móc, thiết bị và các mặt hàng khác ở Nhật Bản. Thêm vào đó, Nghị định thư Kyoto ký kết năm 1998 với các yêu cầu về mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính đã làm cho quốc gia này có những bước tiến mạnh mẽ trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Nhật bản đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng từ năm 2012, theo đó đã đề xuất giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân đến mức có thể, đồng thời thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng, mở rộng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, Nhật Bản cũng triển khai một số Chương trình đặt tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cho các sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng như đồ gia dụng và xe cơ giới (Top Runner); Chương trình dán nhãn năng lượng.

    Theo Yaozu Xue (2020), lượng khí thải các-bon của hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành vi của người dân liên quan đến tiêu thụ năng lượng. Do đó, để tiết kiệm năng lượng và tài nguyên cũng như giảm lượng khí thải các-bon của hộ gia đình, chính quyền địa phương nên tập trung chặt chẽ vào hai khía cạnh: tăng cường nhận thức về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải của hộ gia đình và cải thiện xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng trong tương lai.

2.3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Tại Việt Nam, một số cộng đồng, được thành lập do những người trẻ yêu môi trường với mục tiêu lan tỏa lối sống xanh. Chẳng hạn, cộng đồng Xanh Việt Nam, ra đời năm 2019, đã nhanh chóng phát triển thành tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên 63 tỉnh, thành phố và hình thành các điểm cầu quốc tế ở: Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan. Đến nay, cộng đồng này có gần 20.000 tình nguyện viên nhiệt huyết, đã tổ chức hàng trăm đợt ra quân, thu gom 30.000 bao rác thải, biến hàng trăm bãi rác tự phát thành những không gian xanh - sạch - đẹp (Khánh Vân, 2024). Trong lĩnh vực tái chế, tổ chức “Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam” (PRO Việt Nam) được thành lập năm 2019, gồm 30 thành viên là các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu, có chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp; “Việt Nam Tái Chế” là chương trình thu hồi rác thải điện tử miễn phí đầu tiên tại Việt Nam được thành lập và vận hành bởi Nền tảng Tái chế Việt Nam (VRP). Đây là nhóm liên minh của một số nhà sản xuất điện tử. Tất cả rác thải điện tử được thu hồi thông qua chương trình này sẽ được xử lý một cách chuyên nghiệp để đạt được tỷ lệ thu hồi tài nguyên tối đa và đảm bảo quy trình tái chế an toàn và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, mô hình "Đổi rác lấy cây" được nhiều cơ sở Đoàn trên cả nước triển khai nhằm tuyên truyền ý thức BTMT, phân loại và tái chế rác thải. Tuy nhiên, trong báo cáo Co-Creating Sustainable Ways of Living (Đồng sáng tạo lối sống bền vững), Atsushi Watabe et al. (2020) đã cho thấy, mặc dù tiêu dùng bền vững (sustainable consumption - SC), lối sống và mô hình Văn phòng xanh (Green Offices – GO) đã được thúc đẩy ở Việt Nam trong thập kỷ qua, mô hình SC vẫn được áp dụng ở mức độ thấp xét trên cách tiếp cận quy mô lớn hoặc có hệ thống.

    Sống xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu của tương lai, đang ngày càng có sức ảnh hưởng và là lựa chọn của người tiêu dùng thông thái trong xã hội hiện đại. Không chỉ dừng lại ở trào lưu giảm đồ nhựa, trồng cây xanh trong nhà, tiết kiệm thực phẩm, tái chế đồ cũ, xu hướng sống xanh đang dần có những hình thức bền vững hơn. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới sẽ giúp Việt Nam thực hiện lối sống xanh hiệu quả hơn, cụ thể:

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển lối sống xanh

    Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với việc tránh thất thoát, lãng phí thực phẩm và tái chế sản phẩm từ bao bì nhựa, sản phẩm nhựa, và nhận thức về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, cần tăng cường dữ liệu công bố thông tin môi trường, cải thiện cường độ công bố thông tin môi trường và hướng dẫn người dân chú ý đến các vấn đề môi trường; Tuyên truyền, giáo dục để thúc đẩy hình thành lối sống xanh đặc biệt cho thế hệ trẻ bởi đây là thế hệ tương lai, thế hệ kế cận, là đối tượng dễ tiếp nhận để hình thành thói quen, lối sống. Do đó, việc tạo dựng lối sống xanh cho thế hệ trẻ nói chung sẽ đạt được hiệu quả cao hơn thông qua nội dung lồng ghép trong các môn học, cũng như những thực hành trải nghiệm hàng ngày.

    Chính phủ có thể phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức về lợi ích của việc giảm thiểu chất thải thực phẩm và tiềm năng sử dụng chất thải thực phẩm để tạo ra điện. Điều này có thể giúp khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức tham gia. Đồng thời, thúc đẩy vai trò và hoạt động của cộng đồng, các nhóm sinh thái và câu lạc bộ sinh thái bởi, cộng đồng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động đến hành vi của các cá nhân khi thúc đẩy lối sống bền vững.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan chống lãng phí thực phẩm, sử dụng sản phẩm tái chế, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

    Về các văn bản quy định về chống lãng phí thực phẩm, hiện nay Việt Nam chưa có văn bản pháp luật riêng quy định về vấn đề này. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm ban hành các quy định cụ thể và chế tài xử phạt cho vấn đề này, chẳng hạn: Nhật Bản (Luật Tái chế thực phẩm năm 2000), Pháp (Luật Garot năm 2016), Italy (Luật chống lãng phí thực phẩm năm 2016), v.v..; Tăng cường các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm bền vững, các chính sách khuyến khích người tiêu dùng tận dụng tối đa nguồn thực phẩm, cũng như khuyến khích người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Tăng cường vai trò xúc tác của đổi mới công nghệ

    Tăng đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ mới hướng tới chuyển đổi các mô hình sử dụng nhiều năng lượng sang mô hình xanh và ít các-bon ở cấp độ sản xuất; nghiên cứu để phát triển các công nghệ và phương pháp mới nhằm giảm lãng phí thực phẩm và tạo ra năng lượng sạch; cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc thu gom, vận chuyển và chế biến chất thải thực phẩm…, cần sự nỗ lực chung của các doanh nghiệp, chính phủ, viện nghiên cứu khoa học để thực hiện.

3. Kết luận

    Người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc giảm BĐKH, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua hành vi tiêu dùng bền vững trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt thông qua việc tiêu dùng thực phẩm bền vững, sử dụng sản phẩm tái chế và tiết kiệm năng lượng. Những hành vi này nếu thường xuyên được thực hiện sẽ góp phần hình thành lối sống xanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của con người.

    Nghiên cứu tổng hợp, phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như Anh, Đức, Mỹ, Nhật bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đã thành công trong khuyến khích tiêu dùng xanh, thúc đẩy việc xây dựng lối sống xanh trong cộng đồng trên một số khía cạnh cụ thể. Từ kinh nghiệm các quốc gia này, có thể thấy, vai trò của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm xanh, hạ giá thành sản phẩm xanh cũng như tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về sản phẩm bền vững và trách nhiệm với môi trường là vô cùng quan trọng, có tác động tới việc hình thành và phát triển lối sống xanh. Do đó, Chính phủ hoàn thiện hệ thống quy định và triển khai thực thi một cách sâu rộng, hiệu quả các chính sách thúc đẩy tiêu dùng xanh và xanh hóa lối sống, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh hay mở rộng thị trường phân phối cho sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thực phẩm hữu cơ và các sản phẩm xanh khác.

Lê Thị Thu Hà

Viện Nghiên cứu Con người