1. Vai trò của kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Số lượng và chủng loại các sản phẩm TPCN, TPBVSK được lưu thông trên thị trường ngày càng nhiều. Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe rất đa dạng về chủng loại đóng gói (viên nén, viên nang, siro, dung dịch,…) và có nguồn gốc cả từ sản xuất trong nước (từ nguyên liệu tự sản xuất hoặc nguyên liệu ngoại nhập) và từ các nước có mức phát triển khác nhau trên thế giới (Mỹ, Châu Âu, Ấn độ, Trung quốc,…). Do đó mức chất lượng của các sản phẩm có thể sẽ khác nhau. Ngoài ra, các quy định về điều kiện bảo quản, buôn bán, phân phối thực phẩm chức năng chưa đầy đủ và có thể không được tuân thủ nên với điều kiện thời tiết ở Việt Nam có thể tiềm ẩn các nguy cơ làm giảm chất lượng sản phẩm trên thị trường. Do vậy vai trò của kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung ngày càng quan trọng, góp phần giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đang chuyển biến mạnh mẽ, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động phát hiện, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm trong nước và xuất khẩu, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của hội nhập kinh tế quốc tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các phương pháp phân tích mới được nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của thế giới sẽ giúp tăng cường chất lượng hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung.

Mỗi sản phẩm thực phẩm chức năng khi đưa ra thị trường đều phải có các bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. Trong đó quy định Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện chế độ kiểm tra và kiểm nghiệm định kỳ theo quy định hiện hành và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố, đồng thời định kỳ 03 năm phải thực hiện lại việc đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm này. Nội dung của bản công bố này cho mỗi sản phẩm là căn cứ chính để thực hiện việc phân tích và so sánh đánh giá chất lượng sản phẩm.

2. Các nhóm chỉ tiêu trong thực phẩm chức năng, thực phẩm BV sức khỏe

* Nhóm các chỉ tiêu Vật lý - Cảm quan:

  • Cảm quan: màu sắc, trạng thái, mùi, vị.
  • Chỉ số khúc xạ, độ pH, tỉ trọng, độ cứng, ….
  • Khối lượng trung bình viên, thể tích thực
  • Độ rã, độ hòa tan
  • Độ đồng đều khối lượng, độ đồng đều hàm lượng

* Nhóm các chỉ tiêu chất lượng:

  • Thành phần đa lượng: Độ ẩm, tro, protein (đạm), lipid (béo), carbohydrat (glucid).
  • Thành phần vi lượng: 
    • Các loại vitamin tan trong dầu (A, D, E, K), vitamin tan trong nước (nhóm B, C)
    • Các khoáng chất: Natri, Kali, Calci, Sắt, Kẽm, Magie, Selen…
    • Một số hoạt chất: Cholin, Taurin, nucleotide, HMO,…
  • Định tính Dược liệu bằng kỹ thuật sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao (HPTLC):
  • Định lượng các hoạt chất có nguồn gốc dược liệu: Flavonol, Isoflavon, Silymarin,…
  • Định lượng các hoạt chất nguồn gốc tổng hợp: Glucosamin, MSM, Glutathion,…
  • Phân tích các chỉ tiêu xơ tiêu hóa - prebiotic (GOS, FOS, Glucomannan, …)
  • Phân tích các chỉ tiêu lợi khuẩn - probiotic (Lactobacillus, Bifidobacterium,…)
  • Phân tích thành phần tá dược, phụ gia: phẩm màu, chất bảo quản, hương liệu,…)

* Nhóm các chỉ tiêu an toàn:

  • Xác định hàm lượng kim loại nặng: Pb, Cd, As, Hg (vô cơ và hữu cơ)
  • Phân tích độc tố vi nấm - mycotoxin (Aflatoxin, Ochratoxin, Citrinin,….)
  • Phân tích dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (tất cả các nhóm Pesticide)
  • Phân tích xác định giới hạn ô nhiễm vi sinh vật (E. coli, nấm men, mốc,….)
  • Phân tích xác định các chất tân dược trộn trái phép: 
    • Sildenafil và các chất ức chế PDE5 trong TPCN cường dương
    • Sibutramin và các chất tương tự trong TPCN giảm cân
    • Phenformin, Metformin,….trong TPCN tiểu đường,…
    • Corticoids, NSAIDs trong TPCN hỗ trợ xương khớp
  • Phân tích sàng lọc các chất chưa biết trên hệ thống sắc ký phân giải cao (HR-MS)

* Trang thiết bị:

Trang thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm thường sử dụng các hệ thống sắc ký lỏng , sắc ký lỏng khối phổ (LC-MS/MS), sắc ký khí (GC-FID, GC-MS), quang phổ (UV-VIS)

* Phương pháp kiểm nghiệm:

Các quy trình phân tích dùng để kiểm nghiệm thực phẩm gồm các phương pháp tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước trên thế thế giới như: ISO, AOAC, Dược điển Hoa Kỳ, Trung Quốc,… và tất cả các quy trình này đã được thẩm định theo quy định của ISO 17025.

Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh được đầu tư hệ thống PTN hơn 50 tỉ đồng và có đội ngũ cán bộ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích, kiểm nghiệm cơ bản thực hiện được các chỉ tiêu phân tích chất lượng thực phẩm nêu trên.