Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập

Trung tâm Thông tin – Thư viện Lương Định Của, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(14/9/1998 – 14/9/2023)

 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm) được thành lập từ năm 1956, với sứ mạng: “Đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước”, qua 67 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo, cung cấp cho đất nước gần 120.000 kỹ sư, 15.000 thạc sỹ và gần 700 tiến sỹ, thực hiện thành công nhiều đề tài cấp Bộ, cấp nhà nước; công bố nhiều bài báo khoa học quốc tế; đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu vaccine phòng, chống dịch bệnh; hàng trăm tiến bộ kỹ thuật, giống mới, biện pháp canh tác mới, biện pháp quản lý mới..., được công nhận và áp dụng rộng rãi vào sản xuất phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong môi trường giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học như vậy, công tác thông tin - thư viện luôn được coi là một trong những yếu tố then chốt luôn song hành, hỗ trợ, thúc đẩy mọi hoạt động của Học viện, nhất là trong bối cảnh đất nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, đang không ngừng đổi mới, hội nhập và phát triển. Vai trò này càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa khi ngày 14/9/1998, Thư viện được chính thức trở thành Trung tâm Thông tin-Thư viện (QĐ số 484/TCCB-QĐ của Hiệu trưởng trường ĐHNN1 HN). Đây thực sự là dấu mốc, là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự đổi mới về quy mô và tính chất hoạt động của thư viện Học viện.

1. Giai đoạn 1998 – 2008: Từng bước chuyển đổi hoạt động từ thư viện truyền thống sang mô hình thư viện điện tử.

Từ năm thành lập (1998), Trung tâm Thông tin- Thư viện (TT-TV) phải đương đầu với nhiều khó khăn: nguồn tài nguyên phục vụ học tập ít ỏi (có 50.000 bản). Tài liệu nội sinh chủ yếu là báo cáo tốt nghiệp của sinh viên; trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu (cả thư viện chỉ có 2 chiếc máy tính ESON, 386 đã cũ); các khâu nghiệp vụ, phục vụ, hỗ trợ bạn đọc v.v... đều theo phương thức thủ công.

Nhiệm vụ trong giai đoạn này là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT),  đưa CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ để đổi mới, từng bước hiện đại hóa thư viện. Khởi điểm là ứng dụng phần mềm thư viện (CDS/ISIS của Liên hợp quốc) vào quản lý, lưu trữ, tra cứu các Cơ sở dữ liệu (CSDL) của Trung tâm (giai đoạn này Trung tâm đã bước đầu nhập được trên 5.000 biểu ghi thư mục vào máy tính). Tiếp theo để gia tăng các tài liệu/tài nguyên thông tin, Trung tâm đã tăng cường tìm kiếm, bổ sung nguồn tài liệu/thông tin dưới nhiều hình thức (mua hoặc trao đổi); đồng thời nghiên cứu, cải tiến các phương thức phục vụ cho bạn đọc. Từ năm 2004, được sự quan tâm đầu tư từ mọi nguồn lực trong và ngoài nước, như: Dự án Giáo dục & Đào tạo mức A (của Bộ GD&ĐT), Dự án Hợp tác Phát triển Đại học (CUD của Bỉ), Dự án Jica, Quỹ Châu Á v.v... Trung tâm đã được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị CNTT (máy vi tính, máy photocopy, máy in Laze); đặc biệt là phần mềm quản lý thư viện Libol (phiên bản 5.0 và 5.5) thay thế cho phần mềm cũ. Từ sự đầu tư có chiều sâu, hiện đại này đã tạo nên những chuyển biến cơ bản, có tính bước ngoặt trong hoạt động của thư viện: xây dựng mục lục tài liệu đọc máy, hỗ trợ việc tra cứu, tìm kiếm trên máy tính; song song với đó, triển khai áp dụng các chuẩn quốc tế về thư viện, như: Biên mục MACR21,  Mô tả ISBD, AACR2, khung phân loại DDC v.v... để sẵn sàng cho các hoạt động liên thông, liên kết, chia sẻ dữ liệu sau này. Trong giai đoạn này, ngoài chức năng về thư viện, Trung tâm còn đảm nhận công tác quản trị mạng, in ấn tài liệu, giáo trình cho Học viện, góp phần vào việc đào tạo và giảng dạy của Học viện. 

2. Giai đoạn 2008 - 2016: Ứng dụng, hoàn thiện mô hình thư viện điện tử.

Được sự quan tâm và đầu tư của lãnh đạo Học viện, Trung tâm TT-TV đã tập trung vào việc thúc đẩy quá trình điện tử hóa thư viện: Xây dựng cổng thông tin tích hợp; nâng cấp phần mềm Libol 5.5 lên 6.0; củng cố, hoàn thiện hệ thống tra cứu trực tuyến (OPAC); ứng dụng công nghệ điện từ (mã vạch, dải từ, cổng 3M) vào quản lý, kiểm soát lưu thông tài liệu và bạn đọc, tạo bước đầu cho quá trình tự động hóa hoạt động thư viện. Đồng thời, tăng cường khai thác các nguồn tài liệu Mở; gia tăng kho tài nguyên thông tin, CSDL chuyên ngành; tổ chức lại các kho sách và không gian đọc (theo hướng kho Mở), để bạn đọc gần, xa được tiếp cận trực quan, hiệu quả hơn đến nguồn tài liệu của Trung tâm.

Giai đoạn này Trung tâm đã phát triển được nguồn tài liệu in lên 250.000 bản (tăng 5 lần so với trước); trên 250 tên báo, tạp chí, 2.400 tên tài liệu tra cứu; thu thập, lưu trữ trên 12.000 tên tài liệu nội sinh (gồm đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án thạc sỹ, tiến sỹ); xây dựng được Bộ sưu tập tài liệu điện tử với gần 9.000 file toàn văn, mua và khai thác được 8 CSDL chuyên ngành. Hình thức phục vụ cũng bắt đầu chuyển đổi sang dạng Mở, gia tăng thêm nhiều tiện ích hỗ trợ bạn đọc; đồng thời Trung tâm đã tham gia liên thông/liên kết trong hệ thống Hội nghề nghiệp (Liên chi hội Thư viện các trường ĐH phía Bắc, Hội Thư viện Việt Nam, Liên hiệp thư viện các nguồn tin KH&CN Việt Nam...). Năm 2012, Trung tâm vinh dự được đổi tên là Trung tâm TT-TV Lương Định Của, mang tên vị Giáo sư, Nhà bác học nông nghiệp, Phó Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường.

Lễ cắt băng Khánh thành Thư viện Mở tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

3. Giai đoạn từ 2017 đến nay: Đổi mới hoạt động thư viện, triển khai chuyển đổi số, hướng đến xây dựng Trung tâm tri thức số tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong kỷ nguyên số và CMCN4.0, để hội nhập với xu thế phát triển chung của ngành thư viện, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới; bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, khai thác thư viện điện tử - thư viện số; Trung tâm tập trung vào việc tiếp cận, tìm hiểu để vận dụng các giải pháp công nghệ mới, có khả năng đáp ứng mục tiêu quản lý, vận hành thư viện số tiên tiến trên thế giới. Được sự đầu tư của Học viện, cuối năm 2017, Trung tâm đã ứng dụng phần mềm thư viện thế hệ mới (phiên bản quốc tế Aleph 500); sử dụng cổng tra cứu tập trung Primo (với nhiều tiện ích tìm kiếm đa dạng), ứng dụng công nghệ sóng vô tuyến điện (RFID) trong công tác quản lý, trang bị một số thiết bị tự động hóa: chíp điện tử, cổng kiểm soát vào ra, thiết bị tự mượn trả, trạm tra cứu tự động..., xây dựng thư mục chuyên đề, tạo công cụ tra cứu tài liệu theo môn học, ngành học, tạo kênh tương tác trực tuyến (chatbox) kết nối 24/7 để gia tăng hiệu quả hỗ trợ người học; đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số (theo QĐ số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ): số hóa kho tài liệu, tổ chức dữ liệu trực tuyến; tăng cường các dịch vụ thông tin số; kết hợp mở rộng liên thông/liên kết với các thư viện trong khối Nông-Lâm-Ngư, Kinh tế, Kỹ thuật trong, ngoài nước để chuẩn bị cho mục tiêu chia sẻ dữ liệu...;

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, nhiều năm qua, Trung tâm đã chú trọng xây dựng văn hóa đọc, thu hút, lan toả và tạo thói quen đọc sách, truyền cảm hứng cho bạn đọc - nhất là sinh viên; ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu sách định kỳ trên website, fanpage, hàng năm trung tâm đều phối hợp với Đoàn thanh niện, Hội sinh viên Học viện tổ chức “Ngày hội đọc và trao đổi sách”; tọa đàm về bản quyền tác giả, về văn hóa đọc; sáng tạo các biểu tượng, không gian sách nghệ thuật trong khuôn viên thư viện; đặc biệt, trong 2 năm (2021, 2022) Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, khích lệ sinh viên tham gia Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Bộ VHTTDL tổ chức và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ: 1 Giải Đại sứ, 1 Giải Nhì (năm 2021), 1 Giải Ba, 1 Giải khuyến khích (năm 2022).

T.S. Tạ Quang Ngọc, Nguyên Bộ trưởng bộ Thủy sản tọa đàm với sinh viên Học viện Nông nghiệp VN về Văn hóa đọc

Đến nay, sau những nỗ lực không ngừng, Trung tâm đã đạt được những thành tựu xứng đáng: Kho học liệu đã được số hóa về cơ bản, đáp ứng được trên 90% yêu cầu dạy, học trực tuyến của Học viện; nguồn tài nguyên thông tin gia tăng ổn định hàng năm: từ 3.000-5.000 tên tài liệu, trên 10 CSDL nội, ngoại sinh (từ các nguồn khác nhau); phục vụ trên 440.000 lượt bạn đọc, trên 1.200.000 lượt truy cập vào CSDL, website, fanpage mỗi năm; môi trường đọc và nghiên cứu, khai thác thông tin tư liệu ngày càng trở lên hiện đại, tiện ích.

Với những thành tích, đóng góp to lớn cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam và công tác thư viện của đất nước trong 25 năm qua, Trung tâm TTTV Lương Định Của đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 01 Bằng khen của Bộ GD&ĐT; 01 Bằng khen của Bộ VHTTDL; 01 Bằng khen của Bộ NN&PTNT; 02 Bằng khen của Hội Thư viện VN; 05 Giấy khen của Liên Chi hội thư viện đại học phía Bắc và nhiều khen thưởng của các cấp: Đảng ủy Khối các trường Đại học và Cao đẳng Hà nội, Đảng bộ Học viện, BCH Công đoàn Học viện, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam...

Ban Giám đốc Học viện Chụp ảnh cùng tập thể cán bộ TT TT-TV Lương Định Của

Tóm lại, chặng đường hoạt động trong một phần tư thế kỷ qua (1998-2023) đã phản ánh những cố gắng và nỗ lực không ngừng, vượt qua bao gian khó, thử thách của tập thể lãnh đạo, viên chức Trung tâm TT-TV Lương Định Của qua các thời kỳ. Với Triết lý giáo dục: “Rèn Luyện Hun Đúc” (Rèn tư duy sáng tạo; Luyện kỹ năng thành thạo; Hun tâm hồn thanh cao; Đúc ý chí lớn lao), thành nhân tài nông nghiệp cho đất nước”, Học viện nông nghiệp Việt Nam đã và đang khẳng định vững chắc thương hiệu, vị thế của một trường đại học lớn trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nông nghiệp cho đất nước, và Trung tâm TT-TV Lương Định Của tự hào đã luôn đồng hành, góp một phần sức lực trong tiến trình thực hiện mục tiêu, triết lý đó của Học viện. Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu mà Trung tâm hướng đến là xây dựng và hoàn thiện môi trường tri thức số tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chung sức thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam hùng cường và giàu mạnh trong Thế kỷ XXI./.

VIỆN NGHIÊN CỨU TĂNG TRƯỞNG XANH

Adress: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Tel: 024 66583219 (Office); Hotline: 098 2332775;  Fax: 024.38361283

Email: agg@vnua.edu.vn      Web: agg.vnua.edu.vn