Hội nghị riêng ngành nông nghiệp lần đầu tiên tổ chức có sự góp mặt của đại biểu khách mời đại diện cho "4 nhà" là: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông, với mục tiêu kết nối hợp tác triển khai thực hiện các dự án trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương góp phần xây dựng ngành nông nghiệp huyện Yên Bình ngày càng phát triển, tạo giá trị, sinh kế bền vững cho người dân và doanh nghiệp.
Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy; lãnh đạo các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trong huyện; các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài nước.
Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế
Những năm qua, với sự đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế và các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện; ý thức tự lực, tự cường trong các tầng lớp nhân dân, Yên Bình đã tạo bước thay đổi căn bản trong tổ chức sản xuất, phương pháp canh tác cho người dân trên địa bàn theo hướng chuyển dần từ tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện duy trì ở mức khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2023, cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 54%, dịch vụ chiếm 26%, nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20%, song giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn đạt ở mức cao (đạt 2.890 tỷ đồng), khẳng định vai trò nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cảu nền kinh tế, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều bảo đảm tiến độ và tăng khá so với kế hoạch đề ra.
Đến nay, huyện Yên Bình đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa như: vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên 4.200 ha với 20 ha lúa đã được cấp mã số vùng trồng; 50 ha lúa thơm chất lượng cao tại xã Bạch Hà và 70 ha lúa nếp Lếch tại xã Bảo Ái đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể. Cùng với đó, huyện có vùng trồng chè gần 500 ha với 4 sản phẩm chè đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể Chè xanh Hán Đà.
6 đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Yên Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Năm 2024, huyện Yên Bình đã xây dựng 6 đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có 4 đề án đã ban hành, gồm: Đề án phát triển cây tre măng Bát độ, giai đoạn 2025-2030; Đề án phát triển quế hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn tiến tới tham gia thị trường tín chỉ Carbon giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án trồng cây tràm lá dài dưới cos 58 hồ Thác Bà, kết hợp với nuôi ong mật gắn với du lịch. Cùng với đó là 2 đề án của huyện Yên Bình đã hoàn thiện dự thảo gồm: Đề án Nâng cao giá trị, thương hiệu bưởi Đại Minh giai đoạn 2024-2030 và Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung tham gia ý kiến về nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hoàn thành mục tiêu đề án; các đề xuất triển khai thực hiện dự án liên kết chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch nông nghiệp, việc thực hiện tín chỉ Carbon, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, đặc sản của huyện đang có lợi thế. Cùng với đó, là các chủ trương, định hướng, quy trình thủ tục thực hiện dự án, chính sách mới của trung ương, của tỉnh; nhu cầu đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn…trong đó Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh tham gia ý kiến về việc hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nông nghiệptham gia thị trường Carbon, TS. Hoàng Hiệp cho rằng đây là mảnh ghép cuối cho một nền nông nghiệp đa giá trị, việc tham gia thị trường carbon (nông nghiệp) từ sớm sẽ góp giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra tín chỉ carbon từ hệ sinh thái rừng và lưu trữ trong đất,... đây sẽ là một nguồn lợi để HTX, người dân có thể bán cho các thị trường QT hoặc các nhà đầu tư trong nước. Đây vừa là nhiệm vụ quốc gia nhưng cũng là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam thích ứng với “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau COP26. Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh cam kết sẽ đồng hành cùng HTX người dân huyện Yên Bình, sẽ đưa ra các tư vấn hợp lý cũng như hỗ trợ kỹ thuật để giúp xây dựng tín chỉ carbon trong nông lâm nghiệp
|
|
TS. Hoàng Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh phát biểu tại Hội nghị |
Tại hội nghị, TS. Hoàng Hiệp đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Huyện đối với lĩnh vực Nông lâm nghiệp và NTTS, cũng như các thành tựu của huyện trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên để tham mưu cho huyện, Viện tăng trưởng xanh đề xuất như sau: Huyện cần xây dựng một đề án/chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững (gắn với du lịch) giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trên cở sở đánh giá nguồn lực tự nhiên (thời tiết, khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, mặt nước), nguồn lực xã hội (con người, trình độ, văn hoá tập tục…). đánh giá các tiềm năng thế mạnh của huyện, phân tích SWOT công thêm việc dự báo xu thế phát triển nông nghiệp trong 10 năm, 30 năm tới, từ đó đề ra các định hướng phát triển chính (đặc thù) của nông nghiệp huyện Yên Bình? (nông nghiệp CNC, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp thích ứng với BĐKH….) và đề các giải pháp cốt lõi để thực hiện (về vốn, về thể chế, về KHCN, về nhân lực có đào tạo,...). Từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể (các mô hình, dự án ưu tiên cho từng giai đoạn (từ 2023 đến 2030 mỗi năm làm gì? Làm ở khu vực nào? Nguồn vốn NSNN hay xã hội hoá? Hiệu quả dự kiến là gì (kinh tế, môi trường, xã hội..?). Nếu huyện có một chiến lược/quy hoạch phát triển nông nghiệp rõ ràng kết hợp với các thông tin quy hoạch đất đai được công bố rộng rãi, sẽ là điểm mấu chốt để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, các start -up vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, thuỷ sản và du lịch của huyện.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh khẳng định: Các đề án này khi được triển khai sẽ là những định hướng, mục tiêu rất rõ trong phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, là cơ sở để xác định vùng nguyên liệu phù hợp với ý tưởng đầu tư của doanh nghiệp, giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ động phối hợp, liên kết triển khai bảo đảm chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện."
Với mong muốn kết nối, xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả, bền vững "4 nhà" trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn, đồng chí Bí thư Huyện ủy mong muốn nhận được sự quan tâm của Cục Thủy sản, viện nghiên cứu, trường đại học, các sở, ngành của tỉnh, nghiên cứu đề xuất thực hiện các đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết triển khai thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng bảo đảm bám sát các quy định, các chủ trương, định hướng phát triển từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn, hỗ trợ ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất; giới thiệu, kết nối các nguồn lực hỗ trợ, các đối tác thực hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để các dự án, đề án liên kết khi được triển khai thực sự hiệu quả và bền vững…
Lãnh đạo huyện cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều sự hợp tác liên kết giữa Nhà nước- Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông để ngành nông nghiệp huyện Yên Bình tiếp tục phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, xây dựng "nông nghiệp tiến bộ, nông thôn văn minh, nông dân hạnh phúc”.
|
|
Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình ký biên bản hợp tác thỏa thuận giữa UBND huyện Yên Bình với Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh |
|
|
Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình ký biên bản hợp tác thỏa thuận giữa UBND huyện Yên Bình với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. |
Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký biên bản hợp tác thỏa thuận giữa UBND huyện Yên Bình với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Khoa Thủy sản; Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh; Khoa du lich và ngoại ngữ); Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai; Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên - Đại học Thái Nguyên; Trường Cao đẳng kinh tế, kỹ thuật và thuỷ sản. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện và các công ty, doanh nghiệp, các xã cũng đã ký các biên bản hợp tác thỏa thuận.
|
|
Đoàn đại biểu đại diện Học viện nông nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị |