Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học chăn nuôi - thú y toàn quốc (AVS2023), cung cấp nhiều giải pháp phát triển ngành, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đại diện Học viện cho biết, việc ứng dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vào trong lĩnh vực chăn nuôi là cách tiếp cận mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tập trung giảm lượng chất thải hình thành, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và khuyến khích bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái.

Dựa trên sự kết hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn với nhu cầu sản xuất chăn nuôi hiện đại, Việt Nam có thể xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai, đạt năng suất cao và có khả năng chống chịu tốt hơn đối với những biến động của thị trường.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh:Học viện Nông nghiệp Việt Nam
 

 

 

Qua hội nghị lần này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam muốn giới thiệu các công trình nghiên cứu mới, có triển vọng chuyển biến năng suất, chất lượng, tính ứng dụng cao. Từ đó, nông nghiệp trong nước có thể tiếp tục phát triển sản phẩm phục vụ đề án cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Hội nghị gồm các chủ đề chính sau: Khoa học công nghệ về lợn, gia cầm, gia súc nhai lại, thú cưng, môi trường và chất thải, chế biến bảo quản sản phẩm chăn nuôi; phúc lợi động vật và đạo đức trong nghiên cứu vật nuôi; bệnh truyền lây giữa người và động vật; đào tạo ngành chăn nuôi - thú y trong bối cảnh hội nhập. Sự kiện cũng có nhiều hoạt động bên lề như triển lãm khoa học công nghệ; thảo luận về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi - thú y; tuyển dụng và giao lưu giữa doanh nghiệp với sinh viên.

Hàng nghìn nhà khoa học, đại diện tổ chức, doanh nghiệp... tham dự hội nghị. Ảnh:Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành chăn nuôi - thú y có những đóng góp quan trọng bảo vệ sức khỏe động vật, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi thông qua các chương trình sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, kiểm tra an toàn thực phẩm...

Để có được những thành tựu trên, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, biến kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ tốt công tác thú y trong cả nước.

Hoạt động đào tạo tại Phòng thí nghiệm Trung tâm Khoa Chăn nuôi. Ảnh:Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trong đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Vì vậy, đơn vị tổ chức một kỳ AVS2023 với tinh thần tạo nên không gian học thuật có chiều sâu và toàn diện, tạo nên giá trị thiết thực từ vi mô đến vĩ mô trong quản lý, khoa học và thực tiễn sản xuất.

"Chúng tôi muốn góp sức cho sự phát triển của lĩnh vực chăn nuôi - thú y nói riêng và ngành bông nghiệp Việt nam nói chung trong nhiều thập kỷ", bà nói thêm.

VIỆN NGHIÊN CỨU TĂNG TRƯỞNG XANH

Adress: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Tel: 024 66583219 (Office); Hotline: 098 2332755;  Fax: 024.38361283

Email: agg@vnua.edu.vn      Web: agg.vnua.edu.vn