Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững. 

Ngày 17.3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn" tại Sơn La.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết - mục tiêu của hội nghị là góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông;

Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững. 

  
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc
 

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn thông qua hội nghị sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung.

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển.

"Trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông nghiệp, nông thôn vốn là một thế mạnh đầy tiềm năng của vùng Tây Bắc.

Việc quan trọng là định hình ngay từ đầu cho các em học sinh từ trung học phổ thông niềm đam mê khởi nghiệp, sớm khơi dậy ý thức khát vọng vươn lên để sau này thực sự trở thành những chủ nhân có đủ tri thức làm giàu trên mảnh đất quê hương mình" - GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhận định, hiện nay trình độ khoa học công nghệ và chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La, Lai Châu trực tiếp lắng nghe,

giải đáp các thắc mắc của nông dân

 

Từ thực tiễn đó, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La "đặt hàng" Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai các phương án để tuyển học sinh của tỉnh vào học tập tại học viện, trọng tâm là tuyển sinh học sinh tại các huyện nghèo Thuận Châu, Sốp Cộp.

Thực hiện kết nối giữa cơ sở đào tạo của học viện, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở xã, huyện, thành phố của tỉnh Sơn La trong việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp.

Đào tạo, gắn với nhu cầu thực sự vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp của tỉnh, huyện.

Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, liên kết ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.

Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.

Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu, khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng và thương mại điện tử.

Triển khai nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Với tình hình thực tiễn và yêu cầu "đặt hàng" của Sơn La, các nhà khoa học của các Khoa chuyên môn cũng như các Viện, trung tâm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng nhau nghiên cứu và đưa ra các giải pháp KHCN tối ưu để đồng hành cùng Sơn La đẩy mạnh phát triển. Trong đó, Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh cam kết sẽ có những hỗ trợ, hợp tác trong các nhóm lĩnh vực sau:

1. Tư vấn Môi trường (Đánh giá tác động môi trường ĐTM; Giấy phép Môi trường; Kế hoạch Bảo vệ Môi trường; Báo cáo giám sát Môi trường định kỳ,....vv). 

2. Xử lý môi trường chăn nuôi, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ

3. Giám sát Môi trường định kỳ và Môi trường lao động (Đo đạc các yếu tố vi khí hậu; Đo đạc các thông số vật lý, hoá học, thuốc BVTV, kháng sinh, hợp chất POPs, KLN,..

4. Quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn, quy hoạch khu nông nghiệp cao, tuần hoàn, hữu cơ…

5. Đánh giá chất lượng đất đai, lập bản đồ thổ nhưỡng nông hoá.

6. Mở các lớp đào tạo ngắn hạn (kiến thức kế toán, quản trị, kỹ thuật nông nghiệp xanh, kỹ thuật ủ phân bón vi sinh, hiểu biết về rác thải, môi trường)

7. Phân tích kiểm nghiệm chất lượng nông sản, chất lượng môi trường

8. Nghiên cứu, chuyển giao mô hình sản xuất xanh, mô hình sản xuất theo hướng tiếp cận nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với BĐKH.

Hội nghị "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn" có sự tham dự của cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu và Điện Biên. Có sự hiện diện của Hiệp hội người tiêu dùng, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.


VIỆN NGHIÊN CỨU TĂNG TRƯỞNG XANH

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Tel: 024 66583219 (Office); Hotline: 098 2332775;  Fax: 024.38361283

Email: agg@vnua.edu.vn      Web: agg.vnua.edu.vn