Nhà giáo Nhân dân là danh hiệu cao quy nhất được Nhà nước trao cho các nhà giáo tiêu biểu. Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Quốc gia tổ chức xét duyệt và đề nghị Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam quyết định. Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), xin trân trọng giới thiệu 2 bài viết về gương sáng các nhà giáo nhân dân của Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo trình tự thời gian được trao tặng danh hiệu.

 

1. Nhà giáo nhân dân Lê Duy Thước

                                                                         
                                                                                               Hình ảnh nhà giáo nhân dân Lê Duy Thước

 

Nhà giáo Lê Duy Thước sinh năm 1918 tại Nghệ An. Thầy tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1945, thầy làm Chánh Văn phòng Bộ Thanh niên. Năm 1950, nhà giáo Lê Duy Thước làm Phó Đổng lý Văn phòng bộ Canh Nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Năm 1951, thầy học tập tại Liên Xô và năm 1955 tiếp tục về công tác tại Bộ Nông nghiệp. Năm 1958, nhà giáo Lê Duy Thước trở thành

đại biểu tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN (SEV). Năm 1964, thầy là Uỷ viên Ủỷ ban Kế hoạch - Ngân sách của Quốc hội. Từ 1976 đến 1983, thầy Lê Duy Thước là Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I – nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thầy được coi là "Ông tổ" của ngành khoa học Đất Việt Nam. Cụm công trình “Điều tra, phân loại, lập bản đồ đất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000” của thầy cùng các cộng sự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Khoa học Nông nghiệp. Thầy Lê Duy Thước được phong học hàm Giáo sư đợt đầu năm 1980, và được Nhà nước Việt Nam tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1988.

 

2. Nhà giáo nhân dân Cù Xuân Dần

                                                                       
                                                                                              Hình ảnh nhà giáo nhân dân Cù Xuân Dần

 

Nhà giáo Cù Xuân Dần sinh năm 1938 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1956, thầy là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), đến năm 1959 thầy theo học tại Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh (Trung Quốc). Năm 1962 nhà giáo Cù Xuân Dần trở thành giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Giai đoạn 1974 – 1977 thầy là nghiên cứu sinh Trường Đại học Nông nghiệp Dimitro, Sofia, Bulgaria. Thầy là Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội giai đoạn 1992-1996, Chủ tịch Hội đồng học hàm Giáo sư nhà nước ngành chăn nuôi, thú y, thuỷ sản giai đoạn 1993-1998. Năm 1991, thầy được phong hàm Giáo sư nông nghiệp. Năm 2002, Nhà giáo Cù Xuân Dần được Chủ tịch nước CHXHCNVN quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Với những đóng góp của mình, thầy Cù Xuân Dân còn được đón nhận những phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Phát triển nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Huy chương Vì thế hệ Trẻ; Huân chương vì sự phát triển nông nghiệp VN do Đại sứ quán ÚC trao tặng.

 

3. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch

  
                                                           
                                                                                     Hình ảnh nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch

 

Nhà giáo Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1943 tại Phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tuy được tiếp xúc muộn, nhưng từ đam mê khám phá, nông nghiệp đã sớm gắn bó với thầy. Nhà giáo Nguyễn Xuân Thạch làm việc tại Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) từ năm 1965. Thầy từng tu nghiệp tại Pháp và Đức. Thầy là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I giao đoạn 1996-2001và kinh qua nhiều cương vị công tác khác. Nhà giáo Nguyễn Quang Thạch là một người thầy mẫu mực, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, cao học viên, nghiên cứu sinh của nhiều trường Đại học. Thầy là tác giả của hơn 130 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước, ngoài nước và 13 giáo trình, sách tham khảo khoa học. Ở tuổi gần 80, thầy vẫn say mê tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với những cống hiến của mình, nhà giáo Nguyễn Quang Thạch đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng, danh hiệu danh giá: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Hai; nhiều Bằng Lao động Sáng tạo; Nhà khoa học của nhà nông và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2008…

4. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Trâm

                                                                         
                                                                                      Hình ảnh nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Trâm

 

Nhà giáo Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1944 tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Cô được biết đến là nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam. Tốt nghiệp đại học năm 1968, cô về công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm và được Nhà nông học Lương Định Của hướng dẫn, đào tạo. Năm 1985, sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa của Liên Xô (cũ), cô chuyển về Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) công tác. Năm 1993, cô được cử đi tập huấn công nghệ lúa lai tại Trung Quốc. Từ đó, nhà giáo Nguyễn Thị Trâm cùng các đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu chọn tạo các dòng vật liệu bố mẹ mới để gây tạo các giống lúa lai “ba dòng”, “hai dòng” thích ứng với các vùng sinh thái của Việt Nam. Cô là người đầu tiên xây dựng chương trình giảng dậy và hướng dẫn nhiều sinh viên, cao học viên, nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu về chọn tạo và sản xuất hạt giống lúa lai. Cùng với các cộng sự và học trò, nhà giáo Nguyễn Thị Trâm đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều giống lúa lai vào sản xuất, điển hình là các giống lúa: TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH3-7, TH6-6, CT16, MV2 và các giống lúa thơm Hương cốm. Với những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp nước nhà, cô được nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng, huân huy chương cao quý: Giải thưởng Kovalevskaia; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ (giải tập thể); Huân chương lao động hạng Ba; Anh hùng lao động thời kì đổi mới và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2008…

5. Nhà giáo nhân dân Đặng Thế Huy

Hình ảnh nhà giáo nhân dân Đặng Thế Huy

Nhà giáo Đặng Thế Huy sinh ngày 14 tháng 2 năm 1937 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Khu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức. Thầy là sinh viên khóa 1 ngành Cơ khí nông nghiệp, Học viện Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Sau khi ra trường, năm 1961 thầy Đặng Thế Huy được giữ lại làm giảng viên khoa Cơ Điện. Năm 1967, thầy được Nhà nước cử đi đào tạo nghiên cứu sinh tại Liên Xô (cũ). Từ năm 1985 đến năm 1987, thầy làm chuyên gia giảng dạy tại Cộng hòa Algêri (Châu Phi). Năm 1996 nhà giáo Đặng Thế Huy được phong tặng học hàm Giáo sư. Từ năm 1991 đến năm 1992 thầy giữ chức vụ Trưởng khoa sau Đại học. Từ năm 1992 đến năm 1996 nhà giáo Đặng Thế Huy được Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I – Hà Nội (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam). Năm 2002, thầy nghỉ hưu. Nhưng với tâm huyết nghề nghiệp, nhà giáo Đặng Thế Huy tiếp tục công tác và có 10 năm giữ chức vụ Phó Hiệu Trưởng trường Đại học Lương Thế Vinh. Để ghi nhận sự cống hiến trong hơn 50 năm công tác, Nhà giáo Đặng Thế Huy đã được tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng ba, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp Bộ, Ngành và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2010.

6. Nhà giáo nhân dân Trần Thị Nhị Hường

Hình ảnh nhà giáo nhân dân Trần Thị Nhị Hường

Nhà giáo Trần Thị Nhị Hường sinh năm 1937 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư ngành Cơ khí, chuyên ngành Cơ khí nông nghiệp. Cô là một trong những nhà giáo, nhà khoa học được phong hàm giáo sư đầu tiên và là một trong những nhà khoa học hàng đầu của chuyên ngành này. Cô giữ chức vụ Quyền Hiệu trưởng và Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) từ năm 1983 đến năm 1992. Nhà giáo Trần Thị Nhị Hường được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2010. Trong lịch sử hình thành và phát triển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho tới nay, cô là một trong hai nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu cao quý này, đồng thời là một trong hai nữ nhà giáo giữ chức vụ Hiệu trưởng/Giám đốc. Không những vậy, nhà giáo Trần Thị Nhị Hường cũng là một trong hai nữ nhà giáo là dại biểu Quốc hội. Cô là đại biểu Quốc hội các khoá V, khóa VII, khóa VIII, kéo dài 12 năm không liên tục. Ngoài ra, Nhà giáo Trần Thị Nhị Hường từng là Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội; Thành ủy viên Đảng bộ thành phố Hà Nội; Trưởng Ban cán sự các Trường Đại học của Thành ủy Hà Nội.

 

7. Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên

Hình ảnh nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên

Nhà giáo Trần Đức Viên sinh ngày 05 tháng 02 năm 1954 tại làng Phú Hếu, xã Độc lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thầy là Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2015, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam khoá I giai đoạn 2015-2021, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện từ năm 2007 cho tới nay. Ngoài công tác quản lý tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhà giáo Trần Đức Viên còn là Uỷ viên Hội đồng KHCN Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Nông nghiệp Đông Nam Á từ năm 2006 đến năm 2018; Uỷ viên Hội đồng Sinh học nhiệt đới của Tổ chức Giáo dục các nước Đông Nam Á từ năm 2007 đến năm 2015; Uỷ viên Hội đồng bảo vệ Luận án tiến sỹ của các đại học và viện nghiên cứu: Đại học Waginingen (Hà Lan), Đại học Liege (Bỉ), Viện KHKT Nông nghiệp Paris (AgroParisTech – Cộng hoà Pháp),… Thầy là một trong những giáo sư đầu ngành về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đóng góp nổi bật là các quan điểm về sinh thái học nông nghiệp ứng dụng ở Việt Nam. Thầy tham gia thảo luận về nghiên cứu ứng dụng sinh thái học nông nghiệp ở môi trường học thuật quốc tế từ rất sớm. Đến nay, nhà giáo Trần Đức Viên đã có hàng trăm công bố khoa học, trong đó có trên 70 công bố quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus và là một trong số ít các nhà khoa học Việt Nam có chỉ số H đạt tới 30. Thầy là một nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý sáng tạo, trí dũng, tận tâm, tận lực, tận tuỵ. Thành tựu mà thầy tạo ra cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang và sẽ là động lực, là sức bật tiếp sức cho các thế hệ trí thức trẻ của Học viện. Nhà giáo Trần Đức Viên được công nhận hàm giáo sư năm 2013, vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó có danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 2017.

 

8. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Trạch

Nhà giáo Nguyễn Xuân Trạch sinh năm 1958, tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thầy tốt nghiệp đại học ngành Chăn nuôi tại Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) vào năm 1981; tốt nghiệp thạc sĩ ngành Chăn nuôi tại Đại học New England (Australia) vào năm 1996; tốt nghiệp tiến sĩ ngành Chăn nuôi tại Đại học Nông nghiệp Na Uy vào năm 2001.

Hình ảnh nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Trạch

Nhà giáo Nguyễn Xuân Trạch từng giữ chức vụ Trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản gia đoạn 2007-2010, Phó Hiệu trưởng/Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2018. Năm 2016, thầy được công nhận chức danh Giáo sư chuyên ngành Chăn nuôi. Trong quá trình công tác tại Học viện, nhà giáo Nguyễn Xuân Trạch đã làm chủ nhiệm, tham gia nhiều đề tài khoa học các cấp, nhiều chương trình hợp tác quốc tế, công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế, viết nhiều giáo trình và sách chuyên môn, tư vấn chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Với nhiều cống hiến cho ngành giáo dục và ngành nông nghiệp nước nhà, nhà giáo Nguyễn Xuân Trạch đã được trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2008), Nhà giáo ưu tú (2010), Huân chương lao động hạng Ba (2012), Huân chương lao động hạng Ba của Nhà nước CHDCND Lào (2017)… và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2017.  

                                                                                                                                                                                                                                         Ban CTCT&CTSV