Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, chủ trương đẩy mạnh khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và thúc đẩy thị trường KHCN, coi KHCN, ĐMST là động lực, là then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội, trong chiến lược phát triển KHCN, ĐMST đến năm 2030, kế hoạch hành động của các bộ ngành, địa phương.
Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình thiên tai, dịch bệnh gây nhiều khó khăn, nhưng cả nước đã phát huy tinh thần khởi nghiệp ĐMST với quyết tâm rất cao, được cử tri và nhân dân ghi nhận.
Có rất nhiều hoạt động quan trọng, nhiều hội nghị, hội thảo đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, thu hút đông đảo các thành phần tham gia và tập trung thảo luận nhiều vấn đề, khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thúc đẩy thị trường KHCN, ĐMST và khởi nghiệp.
Điển hình như Hội nghị Thủ tướng làm việc với Bộ KH&CN về các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cấp bách trong KHCN; Hội nghị Thủ tướng chủ trì làm việc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam về hành trình khởi nghiệp ĐMST.
|
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Ảnh: Q.H
|
Đặc biệt là tại Hội nghị "Phát triển thị trường KHCN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" tháng 9 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, coi thị trường KHCN là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với Việt Nam, thị trường KHCN mặc dù đã hình thành nhưng sự phát triển còn chậm hơn so với các thị trường khác; thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa bên cung và bên cầu trên thị trường KHCN… gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc.
Để thị trường KHCN phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cả bên cung và bên cầu, với góc nhìn từ một cơ sở đào đạo và nghiên cứu, được coi là bên cung trong thị trường KHCN, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị Chính phủ và Quốc hội rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa, từ đó tạo nên sự phong phú cho thị trường KHCN.
Chính phủ, Quốc hội quan tâm sớm rà soát sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, những rào cản pháp lý mà đã được các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp...góp ý trong chuỗi các hội nghị, hội thảo vừa qua, như các nghị định để thực hiện luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 70, Luật Đầu tư công và các quy định chưa phù hợp khác.
Đề nghị Chính phủ mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức KHCN như giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu theo gói kinh phí, ít nhất 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm NCKH có tiềm năng để thúc đẩy thị trường KHCN.
Đổi mới cơ chế tài chính thanh quyết toán, đấu thầu trong các nhiệm vụ KHCN; Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó; thí điểm các mô hình doanh nghiệp trong trường đại học như mô hình spin off, mô hình hợp tác xã trong trường đại học,...và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.
Đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu, ĐMST – nơi cung cấp sản phẩm KHCN cho thị trường KHCN.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, hiện nay, ngân sách Nhà nước dành cho KHCN của Việt Nam rất thấp so với các nước.
Theo số liệu của WB năm 2019, chi ngân sách nhà nước cho KHCN của Việt Nam chỉ khoảng 0,5% GDP, trong khi Thái Lan chi gấp 2 lần (1,14% GDP), Trung Quốc gấp 5 lần (2,4% GDP), CHLB Đức và Mỹ gấp 6-7 lần, Hàn Quốc gấp gần 10 lần (4,8% GDP).
Đồng thời, số cán bộ NCKH trên 1 triệu dân của Việt Nam cũng thấp hơn các nước; Theo WB (2019), số người NCKH/1 triệu dân của Việt Nam là 757 người; trong khi Trung Quốc và Thái Lan gấp 2 lần (1.585 và 1.790 người); CHLB Đức gấp gần 8 lần; Singapore gấp gần 10 lần và Hàn Quốc gấp 11 lần (8.700 người).
Hàn Quốc trở thành mẫu hình trong việc phát triển nền kinh tế dựa vào KHCN, xếp hàng đầu châu Á và top 5 thế giới về ĐMST.
"Tôi kiến nghị Chính phủ rà soát Quy hoạch các tổ chức KHCN, các trường đại học và viện nghiên cứu để có chiến lược đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đúng địa chỉ để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức KHCN; cần tăng đầu tư kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN cho các viện nghiên cứu, các trường đại học nơi có đội ngũ nhân lực KHCN đông đảo, coi đây là nơi tạo ra tri thức nền tảng của xã hội, tạo nên tầm vóc và thế đứng của đất nước trên trường quốc tế", GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Theo https://danviet.vn