GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng nhà khoa học sẽ vượt qua các e ngại, sẵn sàng thực hiện những nghiên cứu chưa từng có khi có cơ chế chấp nhận rủi ro.
Một ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, các nhà khoa học bày tỏ sự tin tưởng, tiếp thêm niềm tin, theo đuổi đam mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
GS Lan chia sẻ, các nhà khoa học từng e ngại khi dấn thân vào những nghiên cứu mới tạo nền tảng cho sự sáng tạo và phát triển bởi vấn đề rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Bà cho biết, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, do đây là bệnh chưa từng có. Trong quá trình nghiên cứu bệnh này, có khi thu được kết quả, nhưng cũng có lúc không đạt được kỳ vọng ban đầu. Nếu thất bại, họ không được thanh toán các chi phí đã sử dụng cho hóa chất, vật nghiên cứu và đối mặt với áp lực hoàn trả chi phí.
"Điều này không chỉ gây bất lợi mà còn khiến nhà khoa học e ngại khi theo đuổi các vấn đề mới và khó, ảnh hưởng đến động lực nghiên cứu của họ", GS Lan nói với VnExpress.
    |
 |
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ hai từ trái qua) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học |
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học Việt Nam còn mắc kẹt trong các thủ tục hành chính khi triển khai nghiên cứu, làm giảm động lực sáng tạo. Việc mua hóa chất, vật liệu phục vụ thí nghiệm vẫn bị ràng buộc bởi quy trình đấu thầu, ngay cả khi các sản phẩm này không thể mua theo quy trình thông thường. Có thể kể đến việc thuê động vật, đất trồng, ao nuôi hay mua phụ phẩm nông nghiệp để triển khai các hoạt động thí nghiệm, thử nghiệm. Những dịch vụ này không thể đăng ký đấu thầu trên hệ thống quốc gia.
Ngoài ra việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khó thực hiện nhưng hồ sơ triển khai nhiệm vụ vẫn phải đấu thầu, thanh toán như khoán từng phần. Điều này cũng làm cho các nhà khoa học có tâm lý ngại nghiên cứu.
Theo bà Lan để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những nghiên cứu mang tính tiên phong, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp. Các nhà khoa học cần được tạo điều kiện để chấp nhận rủi ro mà không phải lo lắng về hậu quả tài chính. Điều này không chỉ giúp họ tự tin hơn trong việc theo đuổi các ý tưởng mới mà còn góp phần tạo nên những đột phá khoa học, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ giúp tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước nếu đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định. Đồng thời, nếu nghiên cứu không đạt được kết quả như dự kiến nhưng đã thực hiện đúng quy trình, tổ chức chủ trì không phải hoàn trả kinh phí.
Nghị quyết cũng xác định ngân sách nhà nước khoán chi cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trừ các khoản mua sắm tài sản, thuê dịch vụ bên ngoài và công tác nước ngoài. Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được áp dụng khi tổ chức chủ trì cam kết chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.
Bên cạnh đó Nghị quyết cũng trao quyền tự chủ cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm đảm bảo việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chịu trách nhiệm giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.
GS Lan cho biết, khi Nghị quyết được triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu miễn là vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng. Đây là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn và có nhiều nghiên cứu tiên phong.
Theo VNEXPRESS