Chiều ngày 29/9/2022 tại phòng hội thảo 405, TS. Hồ Ngọc Cường – thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường trình bày kết quả nghiên cứu với chủ đề “Các yếu tố ảnh hưởng tới giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An: Trường hợp nghiên cứu tại thị trấn Diễn Châu”. Đây là một trong các chuỗi hoạt động thường kỳ của nhóm nghiên cứu mạnh nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu. Tham gia và điều hành chương trình là GS.TS. Nguyễn Văn Song – Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý Tài nguyên môi trường. Bài trình bày được đông đảo các giảng viên trong Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tham gia và thảo luận.

TS. Cường cho biết, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn về vấn đề môi trường như việc khai thác, sử dụng tài nguyên, các nguyên, nhiên vật liệu quá mức và vấn đề ô nhiễm môi trường. Có nhiều giải pháp đặt ra để giải quyết vấn đề đó như tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là giải pháp điều chỉnh hành vi con người theo hướng 3R (giảm phát thải, tái sử dụng, tái chế),… Tuy nhiên, việc hành vi giảm phát thải rất khác nhau ở các quốc gia, các vùng lãnh thổ và khu vực. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hành vi giảm phát thải như các yếu tố cá nhân và hoàn cảnh, yếu tố thái độ, kiến thức, quan điểm, yếu tố xã hội học, thói quen, độ tuổi, điều kiện kinh tế, học vấn, giới tính và các yếu tố khác. Ở Việt Nam, là một trong số 20 quốc gia có lượng rác thải cao nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới mà nguồn phát thải chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Việc giảm phát thải, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn là một trong những giải pháp quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải cũng như thực hiện nội dung về kinh tế tuần hoàn. Song cho đến nay việc giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn dừng lại ở mức độ nhất định. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu xem thực trạng hành vi giảm phát thải CTR sinh hoạt, đặc biệt là các yếu tố nào ảnh hưởng tới hành vi này. Nghiên cứu được tiến hành trên địa bàn thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

                                                
                                                                                    TS. Hồ Ngọc Cường trình bày kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy trên địa bàn nguồn phát thải CTR sinh hoạt từ 4 nguồn phát thải chính là hộ gia đình (68,16%), từ chợ dân sinh (17,98%), từ nhà hàng, dịch vụ ăn uống (8,34%), từ cơ quan, đơn vị, trường học (5,52%). Thành phần chủ yếu là từ rau, thực phẩm thừa, chất hữu cơ dễ phân huỷ (74,3%), còn lại là rác có nguồn gốc từ nhựa, cao su, giấy,… Lượng rác phát sinh khá lớn và có xu hướng tăng dần qua các năm, trong khi thu gom với tuần suất 2 lần/ngày với phương tiện, nhân lực còn hạn chế dẫn tới một lượng rác không nhỏ phát tán ra xung quanh bằng nhiều hình thức, ảnh hưởng tới môi trường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra hiện nay hoạt động giảm phát thải chất thải rắn sinh hoạt đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, đơn vị, tổ chức, cá nhân và người dân quan tâm ở mức độ nhất định. Tại các chợ, các biểu ngữ, băng rôn hạn chế rác thải nhựa, hoạt động đổi chất thải nhựa lấy túi vải thân thiện với môi trường. Giảm phát thải cũng được thực hiện ở các cơ quan khối Đảng, chính quyền, phòng, ban chức năng, đoàn thể và đơn vị tổ chức khác như trường học, doanh nghiệp. Tại cấp hộ, hoạt động giảm phát thải CTR sinh hoạt được thể hiện qua việc tham gia vào: (1) phân loại rác tại nguồn; (2) thu gom, tái chế, tái sử dụng phế liệu, thu gom túi nilon sử dụng lại; (3) xử lý các CTR sinh hoạt hữu cơ thành nguồn thức ăn cho chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng; (4) một số biện pháp khác như sử dụng túi vải, làn đi chợ, xây dựng hầm biogas, v.v. Các yếu tố ảnh hưởng tới giảm phát thải chung bao gồm các yếu tố thuộc về tự nhiên, sự phát triển kinh tế xã hội, các chính sách. Trong khi yếu tố ảnh hưởng tới hành vi giảm thiểu phát thải CTR sinh hoạt được kiểm định ANOVA, Chi-square và mô hình Probit cho thấy các yếu tố thuộc về hộ gia đình như: đặc điểm nhân khẩu của hộ, số năm tham giam đào tạo, nhận thức của hộ về các biện pháp giảm phát thải CTRSH, tham gia tổ chức xã hội, nghề nghiệp của chủ hộ. Đây là những yếu tố ảnh hưởng có thể là thông tin tham khảo nhằm tăng cường hoạt động giảm phát thải CTR sinh hoạt trên địa bàn nghiên cứu trong thời gian tới.

                                                 
                                                                                                             Phần trao đổi thảo luận

Có nhiều ý kiến thảo luận được đưa ra và cho thấy việc giảm phát thải phải có cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa. Thay vì mức thu phí đang “cào bằng” như hiện nay thì phải tính tới các mức phí khác nhau. Trong thời gian tới cần hoàn thiện công tác quản lý CTR sinh hoạt từ phân loại rác tại nguồn, các thùng chứa rác, thu gom, công nghệ xử lý và các cơ sở tái chế, v.v. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức của các tác nhân có liên quan tới vấn đề suy giảm môi trường do phát thải CTR sinh hoạt. Mặt khác, sự sẵn có những sản phẩm tiêu dùng có khả năng tái chế, tái sử dụng hoặc thân thiện với môi trường với chi phí phù hợp cũng là vấn đề đáng quan tâm.

 

                                                                                                                                                                                                                                                  Nhóm Nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý Tài nguyên môi trường