Ngày 5/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Hội thảo kỹ thuật với chủ đề “Hướng tới Busan - Kịch bản cho Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức trước thềm Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa , phiên thứ 5 (INC-5), sẽ diễn ra từ ngày 24/11 đến 01/12/2024 tại Busan (Hàn Quốc), hướng đến mục tiêu tham vấn và xây dựng phương án đàm phán, kịch bản của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Ô nhiễm nhựa là thách thức nghiêm trọng và cấp bách, do đó, thế giới cần sớm thông qua khuôn khổ pháp lý để kịp thời giải quyết thách thức nghiêm trọng này.
Sau 2 năm tham gia đàm phán, nhân loại đang đứng trước một thời điểm then chốt để kết thúc đàm phán xây dựng, thông qua văn kiện ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa trên phạm vi toàn cầu tại Hội nghị INC-5 sẽ chính thức diễn ra ở Busan, Hàn Quốc, trong 3 tuần nữa.
Việc đạt được một thoả thuận toàn cầu tại INC-5 được coi là kết quả rất tham vọng. Hiện nay, thế giới còn rất nhiều việc phải làm nhằm thu hẹp khác biệt, thậm chí là sự trái ngược trong quan điểm đàm phán của nhiều quốc gia, nhóm quốc gia, chẳng hạn như: sản xuất, cung ứng, các sản phầm nhựa và hóa chất đáng quan ngại; cơ chế tài chính… Trong khi đó, thời gian đàm phán chỉ còn gần 7 ngày ở Hàn Quốc.
Khi được thông qua và đi vào thực thi, Thoả thuận sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa…
"Do đó, yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho Đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5 ở Busan, Hàn Quốc, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam, bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật (nếu có). Đây cũng là mục đích của Hội thảo ngày hôm nay", ông Lê Ngọc Tuấn lưu ý.
Để chuẩn bị cho phiên đàm phán của cùng, INC-5, ngày 30/10/2024, Chủ tịch Ủy ban đàm phán đã công bố Tài liệu không chính thức và đề nghị các nước sử dụng làm Tài liệu để đàm phán tại Hội nghị INC-5. Theo đó, Hội thảo kỹ thuật tập trung thảo luận các nội dung:
Đầu tiên, liệu Việt Nam có ủng hộ việc sử dụng Tài liệu không chính thức làm tài liệu đàm phán chính thức tại Busan hay không. Trong trường hợp có, cần đánh giá những nội dung trong Tài liệu không chính thức, bao gồm những nội dung Việt Nam có thể ủng hộ và những nội dung Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các quốc gia cùng quan điểm đưa vào hoặc đưa ra khỏi Tài liệu không chính thức (đề xuất để đàm phán sau khi Thoả thuận có hiệu lực) trên cơ sở rà soát, đánh giá sơ bộ tác động của những quy định dự kiến có trong Thoả thuận.
Thứ hai, dự báo tác động của Công ước khi được thông qua tới các chính sách, chiến lược, quy hoạch của Việt Nam nhất là trong lĩnh vực nhựa, hóa chất, quản lý chất thải, hợp tác quốc tế.
Đây là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành tổng hợp, xây dựng phương án kết thúc đàm phán đối với Công ước.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của UNDP Việt Nam, cho biết trong nỗ lực hỗ trợ Việt Nam, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đối thoại và tham gia của các bên về nội dung quan trọng này.
Tham gia hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho INC-5, UNDP Việt Nam đồng thời đề xuất 4 lĩnh vực quan trọng cần chú trọng:
Đầu tiên, cần hướng tới một thỏa thuận phù hợp và đảm bảo lợi ích quốc gia. Trong đó, các bên tham gia đàm phán hiệp định phải đảm bảo các nghĩa vụ phù hợp với các ưu tiên và lợi ích quốc gia của Việt Nam, như các cam kết hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, kiểm soát các hóa chất đáng quan ngại, hoặc thiết lập các cơ chế thuế và phí hiệu quả.
Đặc biệt, các bên liên quan cần xem xét kỹ lưỡng những yếu tố được coi là không thể thương lượng đối với Việt Nam và những yếu tố có thể linh hoạt trong quá trình đàm phán.
Thứ hai, cần đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường. Về vấn đề này, Việt Nam cần xem xét một số các biện pháp đang được đề xuất trong hiệp định như lệnh cấm nhựa dùng một lần hoặc hạn chế sản xuất nhựa sẽ tác động đến nền kinh tế, xã hội và môi trường của chúng ta như thế nào. Từ đó, đảm bảo sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất liên quan đến nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất nhựa với trị giá 25 tỷ USD.
Thứ ba, vận động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Việt Nam nên vận động cho các điều khoản Thỏa thuận cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển. Điều này bao gồm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như lực lượng phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào sản xuất nhựa.
Cuối cùng, Việt Nam cần chuẩn bị cho việc tuân thủ Thỏa thuận thông qua nội luật hóa điều ước quốc tế. Để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam cần có sự cân nhắc bắt đầu sửa đổi các điều luật liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế sản phẩm, kiểm soát hóa chất, quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng như các chính sách thuế và phí.
Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bộ, ngành khác nhau, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng hành cùng Việt Nam từ những ngày đầu khi các cuộc đàm phán về thoả thuận nhựa toàn cầu được thực hiện, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam, cũng đề xuất 4 yếu tố then chốt cần được đưa vào đàm phán tại INC-5, bao gồm:
Một là, quy định loại bỏ nhựa gây hại. Trong đó, WWF khuyến nghị các quốc gịa thống nhất danh sách các sản phẩm nhựa và hóa chất độc hại cần bị cấm và loại bỏ, bắt đầu với các sản phẩm và hóa chất có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.
Hai là, thiết kế sản phẩm bền vững. Thỏa thuận cần đề ra các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm mang tính thống nhất toàn cầu, đảm bảo tính tái sử dụng và tái chế để hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ tạo ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho các doanh nghiệp/ và khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực tái chế và tái sử dụng nhựa.
Ba là, đảm bảo nguồn tài chính đủ mạnh. Một gói tài chính toàn diện là điều kiện tiên quyết để thỏa thuận được triển khai hiệu quả. WWF mong muốn thỏa thuận sẽ bao gồm các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là cho các quốc gia thu nhập thấp để đảm bảo công bằng và bền vững.
Cuối cùng, cơ chế linh hoạt và lâu dài. Để đối phó với các thách thức không ngừng thay đối, thỏa thuận cần có cơ chế cập nhật/và điều chỉnh các biện pháp dựa trên bằng chứng khoa hoc mới. Điều này sẽ đảm bảo thỏa thuận không chỉ có hiệu lực tức thì mà còn có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong tương lai.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các kịch bản khác nhau cho Việt Nam, với trọng tâm là những vấn đề then chốt như hóa chất đáng quan ngại, sản xuất và chuỗi cung ứng nhựa và cơ chế tài chính.
Trong đó, TS. Phạm Văn Hiếu, Chuyên gia từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những phân tích về văn bản đàm phán và các cân nhắc quan trọng đối với Việt Nam. Các báo cáo cập nhật từ các cuộc họp giữa kỳ và văn bản phi chứng thức từ Chủ tịch INC cũng được đề cập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy định hóa chất và giảm thiểu sản xuất nhựa nguyên sinh.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn của UNDP cho rằng, sẽ có một số tác động bất lợi nhất định đến nền công nghiệp nhựa trị giá hơn 20 tỷ USD của Việt Nam nếu Thỏa thuận thông qua các quy định về kiểm soát và loại bỏ hóa chất quan ngại trong sản xuất nhựa.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng về các giải pháp hóa chất và phụ gia thay thế, điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm thiểu tính cạnh tranh của các sản phẩm nhựa từ thị trường Việt Nam, thậm chí tác động đến việc làm của gần 300.000 lao động trong ngành nhựa.
Với tham vọng sẽ kết thúc tiến trình đàm phán văn kiện pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, Phiên họp INC-5 được kỳ vọng sẽ đưa đến nhiều kịch bản khác nhau đối với tiến trình đàm phán hiện nay.
https://www.monre.gov.vn/Pages/huong-toi-thoa-thuan-toan-cau-ve-rac-thai-nhua-tai-busan.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng