TÓM TẮT

Bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống đã được các cộng đồng và cả xã hội quan tâm đầy đủ và thực tế hơn từ khi có Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương 5 khóa VII. Sau đó, để dẫn đường cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, nhiều chủ trương chính sách có liên quan đã được ban hành và các văn bản này đã đề cập ở các mức độ và khía cạnh khác nhau trong việc đề cao tầm quan trọng của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và bảo vệ môi trường (BVMT) nói riêng; điều đó được thể hiện khá rõ nét trong Luật BVMT năm 2020.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều mô hình về đề cao văn hóa trong công cuộc BVMT đã được triển khai rộng rãi trong thực tế tại nhiều vùng miền trên cả nước, mang lại hiệu quả tích cực.

Nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ thực tiễn để chúng ta tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị cao đẹp của văn hóa trong sự nghiệp BVMT.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Văn hóa là một khái niệm rộng và mang nhiều hàm ý, nên có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa, phụ thuộc vào bối cảnh và đối tượng cụ thể. Theo nhiều tài liệu thì hiện nay, có khoảng gần 200 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Có người coi văn hóa chính là nếp sống hay lối sống đã thành truyền thống của một gia đình, một cộng đồng, một tộc người, một vùng đất, một dân tộc (Nguyễn Việt Huy và Hoàng Thị Cẩm Tú, 2023; Trịnh Thị Hạnh, 2024); bao gồm phong tục, tập quán, truyền thống, niềm tin, nghệ thuật, âm nhạc, ngôn ngữ, hệ giá trị và chuẩn mực xã hội đặc trưng. Nó xác lập các chuẩn mực và thang giá trị, từ đó điều chỉnh hành vi và định hình lối sống hàng ngày của các thành viên, làm nên ‘gương mặt’ của một cộng đồng. Có người coi văn hóa là mọi thứ con người làm ra đối lập với tự nhiên. Có người lại cho rằng văn hóa là cung cách ứng xử của một con người, một gia đình, một cộng đồng với đồng loại và với giới tự nhiên (Tran Duc Vien, 2003).

Văn hóa có hai mặt, một mặt là nền tảng sản xuất, xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ trước, được bảo tồn, phát huy và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; và một mặt có các nhân tố mới nảy sinh mang dấu ấn của thời đại. Thay đổi, thích ứng hay hội nhập về văn hóa không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực, vì những cái ‘cũ’ không còn phù hợp với cuộc sống đương đại sẽ mờ nhạt dần và có thể biến mất, nhường chỗ cho những cái ‘mới’ nảy mầm, bén rễ và sinh sôi.

Có những giá trị văn hóa mang tính chất bề nổi, bề mặt (nên không ít người coi văn hóa chỉ là ‘cờ đèn kèn trống’, là công cụ để tuyên truyền) phụ thuộc vào thể chế. Thể chế đúng đắn, theo đúng quy luật sẽ làm cho văn hóa phát triển và thăng hoa; Trái lại, thể chế không đúng quy luật, phụ thuộc vào ý muốn chủ quan, dễ bị đứt gãy khỏi truyền thống, sẽ dung dưỡng cho những điều sai trái, và vì thế mà văn hóa và đạo đức dễ bị xuống cấp (Đỗ Lai Thúy, 2024). Có những giá trị văn hóa mang chiều sâu, được gọi là ‘căn tính’, đó là những thứ làm hàng triệu người Việt khắp năm châu gọi nhau là đồng bào, đó là những thứ khiến câu nói qua điện thoại của một người mẹ “Mẹ đây? Con ăn cơm chưa?” là vô nghĩa, và thậm chí là còn gây khó chịu trong ngôn ngữ và văn hóa người phương Tây, nhưng lại có thể khiến cho những đứa con du học xa xứ người Việt Nam trào nước mắt; đó chính là những cái làm nên sự khác biệt, làm nên vóc dáng, hình hài của một cộng đồng, một dân tộc.

Sức mạnh và sự hưng thịnh của một quốc gia không phải ở độ rộng hẹp của mảnh đất, nơi chúng ta sinh ra, trưởng thành và về với tổ tiên, được gọi là Tổ quốc, hay sự nhiều ít của dân số. Văn hóa là điều làm nên sức mạnh của một dân tộc, văn hóa làm nên tầm vóc và vị thế của một cộng đồng! Trong ngôn từ của người Việt, các cặp từ như ‘làng nước’, ‘nước nhà’ đã nói nên sức mạnh nội tại, sức mạnh tiềm sinh của dân tộc Việt. Làng không chỉ là địa điểm tự cư của các cư dân nông nghiệp, mà đó còn là nơi kết tinh, lưu giữ, phát huy, lan tỏa văn hóa truyền thống tốt đẹp của bản làng, của cộng đồng; nên mặc dù ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, bị đô hộ, bị đè nén hàng ngàn năm nhưng những nét hay nét đẹp ấy vẫn trỗi dậy để đánh đuổi ngoại bang, phục hưng dân tộc, để “mình trở thành chính mình”. Người Việt đã nhiều lần mất nước, nhưng chưa bao giờ mất làng, nên còn làng là còn nước; làng được tạo dựng nên từ các gia đình, các mái nhà, nên còn ‘nhà’ là còn ‘làng’ còn ‘nước’. Nếp nhà (gia phong) và văn hóa làng xã mới là nhân tố làm nên sức mạnh trường tồn của dân tộc. Cũng như dân tộc Do Thái, dù tha hương hàng ngàn năm, nhưng họ vẫn giữ được những giá trị cốt lõi để làm nên những kỳ tích Israel trên mảnh đất khô cằn nhờ sức mạnh dân tộc được hun đúc từ văn hóa truyền thống đầy bản sắc của họ.

Thế nên, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất (bị lấy mất hay tự đánh mất) thì sức mạnh của dân tộc cũng mất, nếu không bị xâm lược, sát nhập hay hòa tan vào văn hóa lân bang, thì dân tộc ấy cũng bị ‘lưu vong’ trên chính quê hương mình. Thế nên, văn hóa mới có chức phận, có sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như lời Bác Hồ đã dạy.

Văn hóa của một cộng đồng, một vùng đất còn được gọi là “văn hóa bản địa”. Đặc trưng của văn hóa bản địa là các bản sắc văn hóa rất riêng của một địa phương, một tộc người, có liên hệ mật thiết với văn hóa sinh kế - một hệ thống giá trị vật chất và tinh thần mang tính chuẩn mực, trong đó hành vi của cá nhân, của cộng đồng, phương thức kiếm sống của cộng đồng được hình thành, kế thừa và phát triển trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Bản sắc văn hóa được xem là một thực thể vô hình chung nhất, cơ bản nhất của một nền văn hóa (Trần Hồng Lưu, 2022). Văn hóa bản địa đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và sự hưng thịnh hay sự lụi tàn của một cộng đồng; nó thể hiện qua các ý niệm của người bản địa về tự nhiên, về nhân sinh, chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi bản làng, mỗi tộc người; ‘đất lề quê thói’ là vì vậy.  

Các cộng đồng dân cư với lối sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên, thường có những tri thức và kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT một cách bền vững. Họ coi rừng, sông, núi không chỉ là nguồn sống mà còn là phần không thể thiếu của văn hóa và tín ngưỡng; đó là những ‘đặc sản’ văn hóa bản địa được kết tinh từ quá trình lao động trong sự thích ứng không ngừng nghỉ với điều kiện tự nhiên để duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững của cộng đồng trong cuộc sống hài hòa, thân thiện, tôn trong cảnh quan, điều kiện sinh thái và môi trường địa phương. Văn hóa bản địa hình thành nên ý thức, thái độ và niềm tin của các cộng đồng, từ đó tạo ra các hành vi và lối sống của họ trong mối quan hệ với thiên nhiên.  

Việt Nam là một quốc gia đa dạng về văn hóa với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc trưng riêng. Thêm nữa, đất nước này trải qua nhiều cuộc chiến tranh gần như liên miên trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nên cũng là nơi ‘qua lại’ của nhiều nền văn hóa. Những nét văn hóa này không chỉ bao gồm ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, mà còn cả các lễ hội, niềm tin tôn giáo (tín ngưỡng), phong tục tập quán và tri thức truyền thống. Các di sản văn hóa này tạo nên một bức tranh phong phú và độc đáo, góp phần hình thành bản sắc văn hóa của đất nước và con người Việt Nam (Trương Quốc Bình, 2016).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa, việc bảo tồn văn hóa bản địa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các yếu tố văn hóa ngoại lai, sự phát triển như vũ bão của công nghệ và lối sống hiện đại đang dần thay thế các giá trị văn hóa truyền thống, khiến nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một (Nguyễn Việt Huy và Hoàng Thị Cẩm Tú, 2023). Điều đó rất cần một chiến lược lâu dài để chúng ta chủ động chống lại các cuộc ‘xâm lăng văn hóa’, đồng thời chúng ta vẫn chủ động tiếp thu được tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới, phù hợp với các đòi hỏi và chuẩn mực văn hóa của ‘thời’ cách mang công nghiệp lần thứ 4, để chúng ta vừa không lạc hậu, vừa không lạc điệu với một thế giới đang phát triển rất nhanh; nhưng chúng ta vẫn lưu giữ, bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ và cao quí của người Việt, của các vùng quê, của 54 dân tộc anh em, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước!

Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân (Bộ TN&MT, 2016). Sự suy thoái tài nguyên sinh vật (rừng, đa dạng sinh học), suy thoái và ô nhiễm tài nguyên đất, nước, không khí đang là mối đe dọa trong hiện tại và tương lai cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thêm nữa, với xu hướng phát triển kinh tế đang bị ‘tiền tệ hóa mọi quá trình, mọi mối liên hệ’ như ở không ít nơi, nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường tại các vùng quê dường như đã trở nên hết sức cấp bách, đã xuất hiện ở đâu đó những ‘làng ung thư’.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc kết hợp bảo tồn, đề cao văn hóa để BVMT không chỉ góp phần duy trì bản sắc dân tộc mà còn có vai trò quyết định trong việc hỗ trợ sự phát triển bền vững (Hoàng Văn Quynh, 2015). BVMT chính là để để cứu lấy con người và thiên nhiên quanh ta; BVMT chính là bảo vệ cho tương lai của nòi giống Việt, của văn hóa Việt.

Việc kết hợp bảo tồn và đề cao văn hóa bản địa trong BVMT là chiến lược quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam. Nhận định này đã được khẳng định qua nhiều công trình nghiên cứu (Đặng Hoàng Hải, 2022; Hoàng Thị Hoa, 2021; Phạm Xuân Hoàng & cs., 2022; Trịnh Thị Thủy, 2020), là nền tảng duy trì sự phát triển bền vững bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của quốc gia. Để đạt được điều này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế, cùng với việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững và các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và đề cao vai trò của văn hóa trong BVMT.

Trong những năm gần đây, ‘sức mạnh’ môi trường đã thực sự trở thành sức mạnh kinh tế, sức mạnh cạnh tranh khi nông sản Việt hội nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại giá trị gia tăng ngày càng lớn hơn cho nông dân, nên ý thức BVMT đã được cải thiện khá rõ nét.

2. ĐỀ CAO VĂN HÓA TRONG BVMT

2.1. Tính pháp lý của việc đề cao nhân tố văn hóa trong BVMT

Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm sâu sắc và đầy đủ hơn đến công tác bảo tồn và phát triển văn hóa, đặc biệt là đề cao vai trò của văn hóa trong BVMT. Các chủ trương, chính sách quan trọng ấy có thể được tóm lược như sau.

Giai đoạn trước năm 2010

Với quan điểm nhất quán và xuyên suốt, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định văn hóa là bộ phận quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước, bởi “Văn hóa... là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn” (Nguyễn Phú Trọng, 2021). Nghị quyết số 03-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa VII, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Giai đoạn 2010 - 2020

Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” Trong đó, mục tiêu tổng quát là “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm phát triển văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia”.  

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Cần phải tiếp thu hài hòa văn hóa các dân tộc, vùng miền của Việt Nam và thế giới, đồng thời đặt nó trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để có những quyết sách đúng trong BVMT. Vấn đề này cũng đã được lãnh đạo Đảng, nhà nước nhiều lần nhấn mạnh “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, nhưng cũng không cứng nhắc mà cần bảo đảm sự hài hòa trong phát triển”. Để có được sự “hài hòa” đó chính là đề cao các yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có công tác BVMT.

Quyết định số 2493/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016 về “Phê duyệt Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020” nêu cao vai trò của các bộ, ban ngành trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống.

Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống. Quan điểm nhất quán của Đảng là “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; BVMT và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Quan điểm này đã tạo thêm mối liên kết chặt chẽ hơn về vấn đề bảo vệ và giữ gìn văn hóa bản địa đi đối với BVMT.

Quyết định số 936/QĐ-TTg, ngày 30/06/2017 về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó có mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; phát triển các công trình văn hóa hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, BVMT đồng thời với bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Giai đoạn 2021 - 2030

Khoản 5 - Điều 4 Luật BVMT năm 2020 đã nêu rõ “BVMT phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Tại Khoản 1 - Điều 57 - Mục 2 cũng đã quy định “BVMT khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch”. Như vậy có thể thấy đây là cơ sở pháp lý quan trọng qui định việc phát huy bản sắc văn hóa vào công tác BVMT.

Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 01/08/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã đưa ra nội dung “Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc”.

Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 22/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã nhấn mạnh hơn nữa tới vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với BVMT nông thôn. Theo đó quan điểm chủ đạo đã được đưa ra trong Quyết định là “Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo”.

Gần đây nhất là Nghị định 39/2024/NĐ-CP ngày 16/04/2024 của Chính phủ về Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Trong đó Khoản 22, Điều 4 quy định “Bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; BVMT”.

Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng để chúng ta đề cao vai trò của văn hóa trong sự nghiệp BVMT bền vững của toàn dân.

2.2. Môi trường và Văn hóa

Môi trường nào thì con người phải sinh tồn theo cách tương ứng, phải phù hợp và thích nghi.  Quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất, trước hết là để nuôi sống con người, ngày qua ngày tạo nên những phương thức sản xuất nhất định; đến lượt mình, phương thức sản xuất lại quy định lối sống, lối ứng xử của một cá nhân, một gia đình, một cộng đồng với đồng loại và với thiên nhiên, tức là tạo thành văn hoá của xã hội ấy. Có thể nói, môi trường đã quy định sự hình thành và phát triển của mỗi một nền văn hoá.

Đến lượt mình, văn hóa đã có những tác động nhất định đến đời sống vật chất (từ tấm áo manh quần đến nhà cửa, đường xá, từ đình đài, lễ nghi đến miếng ăn miếng uống) và tinh thần (từ tư tưởng, niềm tin, tôn giáo, hệ giá trị, đến tình cảm yêu ghét). Chưa nói đến trên thế giới, ngay trong một nước, một vùng quê cũng đều có nhiều ‘nền’ văn hoá khác nhau, nghĩa là có nhiều, rất nhiều những hành vi có tác động đến môi trường khác nhau. Về đại thể, có thể chia thành hai loại.

Loại thứ nhất, luôn đối lập con người với thế giới tự nhiên. Khi đề cập đến thái độ ứng xử của con người đối với giới tự nhiên, người ta cho rằng con người khác con vật chính là ở chỗ biết chinh phục và cải tạo thế giới để thoả mãn nhu cầu của mình, đó là thế giới quan chủ đạo của văn minh phương Tây, sau đó lan ra toàn cầu. Thế giới quan này đối lập với triết lý con người hoà hợp với tự nhiên, thế giới quan chủ đạo trong các nền văn minh phương Đông. 

Theo đà phát triển của thời đại, sau thế kỷ XVIII, cách mạng công nghiệp phát triển nhanh chóng, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác tàn khốc chưa từng có. Con người ngạo mạn và kiêu hãnh tin rằng họ là chúa tể của muôn loài, có quyền định đoạt số phận của các loài khác; với các thành tựu KH&CN, con người có thể giải quyết được mọi vấn đề về tự nhiên và xã hội. Nghịch lý của sự phát triển bắt đầu nảy sinh từ đây: nhờ KH&CN, con người ngày càng hiểu biết sâu hơn về quy luật của thế giới xung quanh thì sự tác động của con người đến giới tự nhiên cũng ngày càng manh tính hủy diệt hơn theo cả chiều thuận lẫn chiều nghịch. Tiến bộ của KH&CN đã giúp con người khống chế giới tự nhiên ngày càng đáng kể hơn, ‘làm chủ’ tự nhiên hơn, nhưng cũng vì thế mà giới tự nhiên, cái nôi của cuộc sống con người, đã trở nên dễ bị thương tổn hơn bao giờ hết trong nhịp sống hối hả của xã hội công nghiệp. Ở mức độ nào đó, những thành công về kinh tế và KH&CN đã làm tăng thêm khả năng con người trở thành kẻ thù của tự nhiên. 

Trong một thời gian dài, họ đã không biết là, loài người cũng chỉ là một loài bình đẳng như các loài khác cùng tồn tại dưới ánh mặt trời, thiên nhiên là hoàn hảo và thiên nhiên là mẹ đẻ của loài người; nên trong đa số các hành động phát triển kinh tế cực đoan, người ta quên mất rằng thiên nhiên chính là mẹ đẻ của mình, nên đã khai thác và tàn phá tự nhiên một cách tàn độc. Chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn, cái tạo nên cân bằng sinh thái trong tự nhiên, được hình thành qua hàng triệu năm tiến hóa của sinh giới, bị xâm phạm nghiêm trọng; ở không ít nơi, giới tự nhiên đã mất đi khả năng tự phục hồi. Nạn cạn kiệt tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường, sự tuyệt chủng nhiều loài sinh vật đặt nhân loại trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu; và điều đó đã được thiên nhiên cảnh báo về sự tất yếu dẫn đến sự huỷ diệt chính bản thân sự sống của nhân loại.   

May thay, con người đã kịp nhận ra hậu quả khủng khiếp của việc tàn phá và coi thường tự nhiên này, nhất là từ sau khi cuốn ‘mùa xuân im lặng’ (Silent Spring) của Rachel Carson, được xuất bản năm 1962 tại Hoa kỳ. Và, người ta cũng ý thức được, con người với những phát minh về KH&CN cũng lại chính là lực lượng duy nhất có thể chặn đứng nguy cơ khủng hoảng sinh thái, lập lại cân bằng sinh thái, phục hồi các hệ sinh thái bị tổn thương hay thậm chí là đã bị hủy diệt, một khi họ ‘nhận diện’ ra được sức mạnh ghê gớm của tự nhiên và sức mạnh thực sự có giới hạn của con người.

Loại thứ hai, không đặt con người đối lập với thế giới tự nhiên, coi mọi vật ở thế giới này đều có ‘tính người’ và ‘tính xã hội’. Nền văn hoá này không chỉ sản sinh ra những hành vi tôn trọng môi trường mà còn sản sinh ra những khối lượng kiến thức về môi trường rất đáng khâm phục.

Thái độ hòa hợp với tự nhiên của phương Đông được hình thành và định hình từ rất sớm trên cơ sở những quan niệm về con người trong các học thuyết phương Đông. Theo đó, con người luôn được coi là một nhân tố, cũng có thể là nhân tố quan trọng nhất, của giới tự nhiên, không đối lập con người với tự nhiên. Khi xây dựng học thuyết về chủ nghĩa cộng sản, ngay trong lòng của chế độ tư bản, cha đẻ của học thuyết cũng đã nhận ra chân lý này.

Tư tưởng điển hình nhất của chủ nghĩa Marx về thái độ tôn trọng tự nhiên, sống hoà hợp với giới tự nhiên được F. Engels trình bày trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”. Engels  cho rằng, sự tiến bộ của nền khoa học tự nhiên thế kỷ XIX, một mặt, cho phép con người hiểu được ngày càng chính xác hơn các quy luật của tự nhiên, nhưng mặt khác cũng giúp con người ngày càng cảm thấy và nhận ra sự phụ thuộc của mình vào tự nhiên, “con người với giới tự nhiên chỉ là một”. Engels  chỉ rõ: “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc của chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên” (Hồ Sĩ Quý, 2023).

Phải sống khiêm nhường và kính trọng trái đất, để con cháu còn có đất mà sống; nơi chúng ta đang sống hôm nay chỉ là đất mượn của con cháu; chúng ta không thể để lại cho thế hệ mai sau những hoang mạc đầy rác, những cánh rừng không cây không tiếng chim hót và những hận thù xuyên thời gian, xuyên biên giới…

2.3. Đề cao văn hóa để BVMT bền vững

Có hai loại môi trường, đó là môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa -xã hội. Không có văn hóa thì không có con người, không có loài người và không hình thành nên xã hội của các thời đại kế nối nhau, kể từ khi xuất hiện một vài con khỉ ‘lạc loài’ nào đó bỗng nhiên dám đứng thẳng bằng hai chi sau của mình.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế, khi chúng ta đang tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng là lúc chúng ta đang sử dụng nhiều nguồn lực từ tài nguyên thiên nhiên nhất, và điều đó đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực ở những mức độ và qui mô khác nhau đến môi trường.

Thực trạng hiện nay cho thấy công tác BVMT đang đứng trước nhiều thách thức như: (1) Thách thức giữa yêu cầu BVMT với lợi ích kinh tế trước mắt trong đầu tư phát triển; (2) Thách thức giữa tổ chức và năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập trước những đòi hỏi phải nhanh chóng đưa công tác quản lý môi trường vào nề nếp; (3) Thách thức giữa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật BVMT lạc hậu với khối lượng chất thải đang ngày càng tăng lên, các hệ sinh thái bị suy thoái có nguy cơ mở rộng và mất dần khả năng phục hồi; (4) Thách thức giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn vốn cho BVMT với khả năng có hạn của ngân sách nhà nước, sự đầu tư của doanh nghiệp và người dân cho công tác BVMT còn ở mức rất thấp.

Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Nếu trong xã hội, văn hóa (cùng với luật pháp) điều chỉnh hành vi con người, giúp con người sống và cư xử tốt đẹp theo đúng bản sắc văn hóa của dân tộc, hướng con người đến những giá trị đích thực của Chân – Thiện -  Mỹ (đúng - tốt - đẹp); thì trong lĩnh vực môi trường, văn hóa hướng con người có nhận thức đúng hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, trách nhiệm của chính bản thân mỗi người, mỗi cộng đồng trong sự nghiệp BVMT. Văn hóa sẽ biến nhận thức thành ý thức của cá nhân, của cộng đồng; và khi ấy hành động BVMT không còn là gánh nặng của trách nhiệm và nghĩa vụ nữa mà trở thành ý thức tự giác theo bản năng của mỗi người, thành niềm vui và hạnh phúc của cộng đồng.

Một đứa trẻ khi sinh ra đều chưa có ý thức BVMT, vì BVMT ở một khía cạnh nào đó là một phạm trù thuộc văn hóa, cần được dạy dỗ và nuôi dưỡng, vun trồng. Nếu từ bé, đứa trẻ được giáo dục phải quý trọng nguồn nước, trân quí nhành cây, ngọn cỏ, yêu thương tiếng chim hót, cánh cò ‘bay lả bay la’, thì sự giáo dục này sẽ đi theo sự trưởng thành, lớn lên từng ngày của đứa trẻ và hình thành nên nhân cách của con người khi đối xử với thiên nhiên và với đồng loại. Đây là một điều rất quan trọng trong việc giáo dục, xây dựng văn hóa BVMT.

Cho đến nay, rất nhiều dự án và chương trình bảo tồn văn hóa bản địa và BVMT đã được triển khai nhằm hỗ trợ các cộng đồng duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời BVMT sống của họ. Điển hình nhất có thể kể ra như Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dự án này không chỉ giúp bảo tồn các lễ hội, phong tục tập quán mà còn thông qua đó hỗ trợ trực tiếp các nhiệm vụ BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, một số chương trình và dự án lớn của Nhà nước như “Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc” (Chương trình 327) và “Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng” (dự án 661), với mục tiêu chung là tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ rừng, đồng thời mang lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội và môi trường cho cộng đồng. Trong quá trình triển khai các chương trình và dự án này, rất nhiều bài học từ việc phát huy văn hóa bản địa đã được vận dụng trong phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên đất một cách hiệu quả trên toàn quốc (Nguyễn Quang Dương, 2001). 

Tri thức bản địa là những kiến thức địa phương, gần như là duy nhất và đặc trưng cho một nền văn hoá nào đó (UNESCO, 2010). Tri thức bản địa đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của các cộng đồng dân cư, của mỗi địa phương. Do đó, việc để mất đi các tri thức bản địa không chỉ đơn thuần là bỏ phí một nguồn lực để phát triển mà còn là việc bỏ qua sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển (Paul Mundy, 1993).

Trong quản lý tài nguyên và BVMT, làm giầu và sử dụng tri thức bản địa tại địa phương sẽ tạo ra cơ chế trao quyền cho người dân, hỗ trợ người dân trong quá trình khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững. Đây là nền tảng vững chắc cho những quyết định liên quan tới an ninh lương thực, sinh kế người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, BVMT sinh thái, hướng tới phát triển bền vững.

Nhờ vào vốn kiên thức bản địa mà người nông dân nước ta đã chủ động hơn trong các hoạt động ứng phó với BĐKH và giảm thiểu các thiệt hại do BĐKH gây ra. Tất nhiên là, việc sử dụng các tri thức bản địa cần phải kết hợp với các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại để tăng tính ứng dụng và mang lại hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, các mô hình quản lý tài nguyên trên cơ sở cộng đồng, quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, các mô hình đồng quản lý, đồng sử dụng của người dân và chính quyền là những minh chứng rõ nét cho việc ứng dụng tri thức bản địa trong khai thác, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và BVMT ở nước ta hiện nay.

Bảo tồn và phát huy văn hoá bản địa gắn với công tác BVMT là xu hướng tất yếu nhằm làm hài hoà mối quan hệ giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Hoạt động này được thể hiện rõ khi một trong những nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững là để cộng đồng tự quản lý môi trường của họ.

2.4. Một số mô hình đề cao nhân tố văn hóa trong BVMT

Hiện nay việc lồng nghép các yếu tố văn hoá, tri thức bản địa, tín ngưỡng trong các hoạt động BVMT đã và đang được quan tâm, thúc đẩy. Một số các hoạt động, mô hình tiêu biểu có thể kể đến như:

2.4.1. Lồng nghép việc bảo tồn văn hoá bản địa với phát triển du lịch và BVMT

Các điều kiện tự nhiên, văn hoá xã hội đặc trưng là yếu tố quan trọng cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch canh nông của các địa phương; ở đó việc đề cao văn hóa trong BVMT được coi trọng, nó góp phần to lớn vào việc ổn định và nâng cao đời sống cho cư dân. Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng thúc đẩy người dân địa phương gìn giữ và phát huy các nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình, làng quê mình, đồng thời khuyến khích các cộng đồng BVMT, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên để tạo ra môi trường sống trong lành, xanh, sạch và đặc thù. Đây là chỗ cho cư dân thành phố tìm đến để tắm mát những tâm hồn đã bị đời sống gấp gáp và bụi bặm nơi đô thị bào mòn.

Mô hình này đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên liên quan. Với sự đa dạng, phong phú về văn hoá của các dân tộc anh em, của các vùng quê, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du khách nước ngoài tới trải nghiệm và tìm hiểu văn hoá ‘đặc sản’ địa phương, nhất là văn hóa khác biệt của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Du lịch cảnh quan kết hợp với tìm hiểu văn hoá bản địa trở thành thế mạnh và hướng đi mới của nhiều tỉnh thành trong cả nước (Nguyễn Trùng Khánh, 2023). Mô hình này giúp nâng cao thu nhập của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này không chỉ góp phần duy trì những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số mà còn tạo ra sinh kế bền vững, giúp họ cải thiện cuộc sống, từ đó giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng.

Các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được triển khai khá phổ biến ở nước ta đã đem lại hiệu quả tích cực. Ví dụ, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn và xây dựng 8 bản văn hoá du lịch với những nét văn hoá đặc trưng của người Thái; Tỉnh Đắc Lắc đã lựa chọn 5 thôn buôn với những nét văn hoá đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên để thu hút khách du lịch. Du lịch nông thôn của đồng bào dân tộc Dao làng Nặm Đăm tại xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang được xem là một trong những mô hình du lịch nông thôn điển hình của khu vực miền núi phía Bắc, với vị trí địa lý nằm ở khu vực có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như cao nguyên đá Đồng Văn, thung lũng Sỉnh Là, cột cờ Lũng Cú, núi Cấm Sơn, cánh đồng lúa bậc thang Hoàng Su Phì, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, thổ canh hốc đá của đồng bào H’Mông, v.v....; hoạt động du lịch ở khu vực Nặm Đăm  luôn gắn với bảo tồn những giá trị di sản văn hóa nông nghiệp, bảo tồn các nguồn gen quý về thực vật và động vật, những giá trị văn hoá nông nghiệp bản địa. Bên cạnh mô hình Nặm Đăm, mô hình du lịch homestay ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũng là một mô hình đạt hiệu quả cao trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa người dân tộc Lô Lô và H’Mông gắn với công tác BVMT làng bản. Đây là mô hình du lịch đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống của các hộ gia đình, và đa dạng hoá sản phẩm du lịch trong quần thể các điểm đến du lịch của tỉnh Hà Giang. Nhân rộng mô hình du lịch homestay trên các vùng miền là điều nên làm nhằm duy trì, phát huy các giá trị văn hoá - xã hội, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế đồng thời với ý thức BVMT sống của chính họ.

Như vậy, việc phát triển các nét đặc sắc của văn hóa bản địa không chỉ góp phần quảng bá được giá trị văn hóa tới các cộng đồng khác, tạo nên sự giao thoa về văn hóa giữa các vùng, miền, địa phương mà còn gia tăng thu nhập cho cộng đồng, từ đó phát triển kinh tế và tạo động lực phát triển xã hội nói chung. Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông thôn gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và điều kiện sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Đây là định hướng phát triển du lịch rất cần thiết đối với các vùng nông thôn được ưu đãi bởi tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, điều này rất phù hợp với Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 22/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

2.4.2. Lồng ghép nội dung BVMT trong các luật tục, quy định của cộng đồng

Văn hoá được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nếp sống, quan niệm, niềm tin của các cộng đồng dân cư, được hình thành và phát triển qua một thời gian dài giúp cho cộng đồng có thể sống hài hoà, thân thiện với môi trường. Việc lồng ghép các nội dung BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên dựa trên các phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng hay nói cách khác là dựa trên những nét đặc sắc văn hoá bản địa, sẽ mang lại hiệu quả quản lý cao và bền vững hơn so với các công cụ quản lý khác manh tính hành chính của Nhà nước.

Có thể kể tới một số luật tục về BVMT của các đồng bào dân tộc thiểu số nước ta như:

Đồng bào Ê đê ở Tây Nguyên đã có những quy định nghiêm ngặt về BVMT như bảo vệ rừng, chim thú, đất đai, nguồn nước… Đồng bào coi trọng việc bảo vệ cây đầu nguồn, cây bên bờ suối, bến nước, bảo vệ cây rừng ở các khu rừng già, rừng non. Người Êđê quan niệm rừng là mái nhà của cộng đồng, mất rừng đất sẽ bị xói mòn, nước bị cạn kiệt, con người và muông thú sẽ bị diệt vong. Vì vậy, bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống của cộng đồng. Bến nước và nguồn nước được coi là hình ảnh biểu trưng cho cộng đồng. Do đó, hàng năm người Êđê làm lễ cúng bến nước. Trong lễ cúng thường có các hoạt động dọn dẹp bến nước, làm cho nguồn nước sạch hơn. Hành vi làm ô nhiễm nguồn nước gây hậu quả nghiêm trọng bị cộng đồng xử phạt rất nặng. Người Êđê tâm niệm “chim thú trong rừng ta phải bảo vệ. Thấy chim thú không nên đuổi bắt. Bắt con chồn không được bắt con mẹ. Bắt con cá không được bắt con mẹ. Bắt con thỏ không được bắt con mẹ…”. Người Êđê cũng quy định mỗi người chỉ được săn bắt tối đa 30 con thú trong suốt cuộc đời, khi săn tới con thú thứ 30 thì phải bỏ cung, nỏ vĩnh viễn.

Đồng bào Mường có quy định về khai thác măng tre nghiêm ngặt: trước ngày 20/6 âm lịch hàng năm (thời điểm măng tre phát triển mạnh nhất) mọi người không được phép khai thác măng tre (kể cả măng tre do nhà mình tự trồng), ai vi phạm sẽ phải nộp phạt một con lợn. Người Mường thường cắm đó đánh dấu tại các khúc sông, suối để nghiêm cấm người dân đánh bắt cá. Đây là các khúc sông, suối sâu, dòng chảy vừa phải, có bãi cát ngầm thoải, có các hang, hốc đá ngầm, thuận lợi cho các loài cá cư trú, trốn tránh kẻ thù và sinh sản. Người Thái quy định tuyệt đối không được khai thác cây trong rừng phòng hộ ở khu vực đầu nguồn nước, đây thường là rừng thiêng, rừng ma; những nơi có thể khai thác tre, nứa, gỗ làm nhà thì tuyệt đối không được chặt đốt làm nương.

Qua một vài ví dụ trên có thể thấy trong bản thân văn hoá bản địa của mỗi dân tộc đều hàm chứa các quy định, nội dung liên quan tới việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Việc sử dụng các nét văn hoá đặc trưng này góp phần giúp cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở các địa phương đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.

2.4.3. Lồng ghép các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đề bảo tồn, phát huy văn hóa trong công tác BVMT

Tôn giáo và khoa học đều cần thiết trong cuộc sống. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đồng thời cũng là một quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Trong quá trình hoạt động, các tôn giáo có những đóng góp rất đáng trân trọng cho các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường. Theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ năm 2022, Việt Nam có 16 tôn giáo khác nhau, trong đó đạo Phật (năm 2022 có gần 46 triệu tín đồ quy y tam bảo) và đạo Thiên chúa (năm 2022 có trên 7,2 triệu tín đồ) là hai tôn giáo có số tín đồ lớn nhất (Ban tôn giáo Chính phủ, 2023).  

Đạo Phật nhìn nhận thiên nhiên như là nền tảng cho sự sống; Thiên nhiên là cái nôi tạo nên sự sống của muôn loài trong đó có loài người. Hệ tư tưởng và giáo lý của đạo Phật chứa đựng nhiều tư tưởng thân thiện với môi trường, đạo đức với môi trường, lòng từ bi, bác ái đối với muôn loài, lấy đó làm nền tảng cho sự tu tập của cõi nhân sinh, coi đó là chân lý giản đơn của cuộc sống, coi đó là đạo hiếu nhân nghĩa của con người, là cánh cửa tỉnh thức của an lạc; Kinh Niết bàn viết: “Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính” (hết thảy chúng sinh đều có Phật tính). Trong học thuyết Duyên khởi, cơ sở triết học của của Phật giáo nguyên thủy, quan hệ tác động qua lại của vạn vật, trong đó có tự nhiên và con người, còn được giải thích một cách ‘biện chứng’ hơn. Theo thuyết này thì mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ đều có quan hệ với nhau và đều là điều kiện cho sự tồn tại của nhau (“Thử hữu cố bỉ hữu, thử sinh cố bỉ sinh, thử vô cố bỉ vô, thử diệt cố bỉ diệt” – Sở dĩ cái này tồn tại nên cái kia tồn tại, sở dĩ cái này sinh ra nên cái kia sinh ra, sở dĩ cái này không có nên cái kia cũng không tồn tại, sở dĩ cái này mất đi nên cái kia cũng mất) (Hồ Sĩ Quý, 2023).

Vận mệnh tốt xấu của một kiếp người có liên quan chặt chẽ tới những việc thiện ác và âm đức trong cuộc sống hàng ngày; Đạo Phật chỉ tồn tại khi con người biết sống vị tha, thương yêu, chia sẻ, lắng nghe và bao dung. Những quan niệm và triết lý ấy góp phần to lớn vào công tác BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng.

Đức Phật đã chọn rừng xanh là nơi đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn. Sống trên cuộc đời này, tất cả chúng ta đều mắc nợ rừng, đều mang ơn rừng. Vì vậy, chúng ta phải trồng cây, phúc báo cho cuộc đời nảy mầm từ việc trồng cây xanh, trồng một cây xanh là con người đã gieo được một cội phúc cho mình. Công đức của việc trồng rừng lớn hơn rất nhiều việc xây cất những ngôi chùa lớn; vì trồng rừng là giữ lại sự sống cho thế giới, đem lại nhiều công đức lớn cho chúng sinh; điều đó cũng có ý nghĩa như việc bố thí thuốc men, tiền của, cơm gạo, cũng có ý nghĩa như việc thả phóng sinh chim, cá,... Nên, theo 'nhân quả', người siêng năng trồng rừng sẽ gặp may mắn.

Thiên Chúa giáo có nhiều tư tưởng gần gũi với môi trường. Sự thế tục hóa của Thiên Chúa giáo đối với BVMT không chỉ được thể hiện qua việc phát triển hệ thống kinh sách, giáo lý liên quan đến môi trường mà còn thể hiện đặc biệt rõ qua các lời kêu gọi, các hành động cụ thể bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu; với các tín đồ Kitô, việc gìn giữ, bảo vệ chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả bởi khi đó họ sẽ được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Trong thực tiễn, việc tạo lập lại rừng cây đã giúp nâng cao tâm hồn con người; Sống giữa một thế giới ít cây xanh, tâm hồn con người cũng sẽ cằn cỗi, khô khan, bạc bẽo; Đến một nơi có nhiều cây xanh, như một lẽ tự nhiên, con người sống ở đó hiền lành, tử tế, thiện lương hơn.

Dù theo tín ngưỡng nào, thì triết lý của các tín ngưỡng đó đều răn dạy con người về việc BVMT có vai trò vô cùng to lớn đối với cả con người lẫn các loài động, thực vật xung quanh nó (chúng sinh); vì thế, BVMT là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta, của con cháu chúng ta. Có lẽ từ những niềm tin (tín ngưỡng) này, mà từ thời xưa, người Việt đã nhắc nhở con cháu “Đời trước trồng cây, đời sau hưởng mát” để thấy gieo hạt Phúc thì gặt quả Phúc; và "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá", để thấy những người phá rừng, diệt các loài thủy sinh và sinh vật nói chung là mất phúc, là thất đức, và sớm hay muộn gì, họ sẽ phải hứng chịu số phận của những tội đồ. Tương tự như vậy, câu ‘lấy của rừng rưng rưng nước mắt’ cũng có ý nghĩa điều chỉnh hành vi của con người đối với tài nguyên rừng, hướng thiện cho con người.  

2.5. Khó khăn, vướng mắc trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa gắn với công tác BVMT

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay khó khăn và vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa gắn với BVMT nông thôn xuất phát chủ yếu từ mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, trong không ít trường hợp người ta thường ‘hi sinh’ môi trường cho phát triển kinh tế vì những cái lợi trước mắt, vì những toan tính vụ lợi, ích kỷ nào đó.   

Việc bảo tồn đem lại những lợi ích to lớn về văn hóa, và về lâu về dài, đó chính là các lợi ích kinh tế, như giữ gìn được lâu dài các nét đặc trưng về văn hóa, tập quán địa phương, giữ gìn được môi trường, cảnh quan chung và quan trọng nhất là văn hóa cốt yếu của mỗi vùng, làm bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuy nhiên có một thực tế là, nếu chỉ bảo tồn mà không đi cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thì theo thời gian, đói ăn vụng túng làm liều, sẽ dễ làm cho các giá trị văn hóa tưởng như vĩnh hằng bị xói mòn, bị biến dạng, nên quan trọng hàng đầu là phải kiến tạo nên văn hóa sinh kế, kiến tạo không gian văn hóa cho những điều tốt đẹp tồn tại và được phát huy. Điều đó thấy rõ qua hiện tượng trang phục của một số đồng bào DTTS chỉ còn xuất hiện trên sân khấu trong các dịp biểu diễn văn nghệ hay lễ hội, sự kiện nào đó của địa phương.

Nếu chỉ phát triển mà không quan tâm đúng mức đến bảo tồn, do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của văn hóa bản địa, mà một quá trình phát triển nào đó, như phát triển du lịch chẳng hạn, dễ dẫn đến tự phát, ồ ạt thiếu kiểm soát, bị thương mại hóa quá mức, lạm dụng di sản sẽ làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, mất bản sắc, phá vỡ tính nguyên vẹn của di sản, mai một truyền thống và lối sống địa phương, gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên (Lê Thị Bích Thủy, 2023). Một số loại hình du lịch cộng đồng hiện nay còn thiếu tính đồng bộ, quản lý lỏng lẻo, chạy theo đồng tiền trước mắt, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn lực tự nhiên (Trịnh Thị Hạnh, 2024); bản sắc văn hóa bản địa không được định hướng có thể bị lôi kéo, dẫn đến những lệch lạc, xuất hiện các thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội phức tạp, khó kiểm soát ‘du nhập’ từ bên ngoài vào, gây mất an ninh trật tự địa phương, làm phương hại đến bản sắc văn hóa vùng du lịch (Lê Thị Bích Thủy, 2023).

Như vậy, việc hài hòa và cân bằng lợi ích giữa bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa gắn với BVMT nông thôn vẫn đang là một bài toán khó và rất cần sự can thiệp và hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước để tạo động lực và nguồn lực thực sự cho các cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, đề cao văn hóa trong BVMT, vì sự phát triển, yên bình và giầu có của chính họ.

3. ĐÔI ĐIỀU LẠM BÀN (NGOÀI LỀ) VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

(1) Văn hóa, bản thân nó, vốn hiền hòa và giản dị, ‘tính bản thiện’, dùng để chỉ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người, dựa vào đó con người lao động sản xuất, tồn tại, phát triển và không ngừng hoàn thiện mình theo những hệ giá trị nhân văn, nhân bản. Thuật ngữ 'culture' có nguồn gốc từ tiếng La tinh 'cultura' có nghĩa là trồng trọt, gieo trồng, chăn nuôi, nuôi dưỡng (cultivation). Theo ngôn ngữ phương Tây, ta có agriculture là văn hóa của ruộng đồng hoặc nông nghiệp, sylviculture là văn hóa của rừng hoặc lâm nghiệp, sériciculture là văn hóa tằm tang hoặc nghề trồng dâu nuôi tằm, thậm chí cả puériculture như là "văn hóa con trẻ" hoặc nghề nuôi nấng dạy dỗ trẻ nhỏ. Người ta cho rằng chữ Culture với nghĩa là Văn Hoá đã xuất hiện trong tiếng Pháp lần đầu vào cuối thế kỷ XVIII.

Văn hóa giàu bản sắc, thuần thiện, thi sẽ tạo ra trong xã hội hệ giá trị tốt đẹp; Cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người khác, đó là lời cụ Hoàng Đạo Thúy chia sẻ trong cuốn sách cuối cùng của Cụ. Đó chính là cái đức Thiện của văn hóa truyền thống mãi luôn là kim chỉ nam đúng đắn cho con người Việt Nam trong mọi thời đại, ở đó có môi trường cho tinh thần khoan dung, nhân ái và sáng tạo phát triển, và đó là sức mạnh của dân tộc. Nhưng nếu là thứ văn hóa của một chuẩn giá trị khác, làm gì cũng phải nghĩ đến bản thân trước, thì đó sẽ là vật cản để con người hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách, ngăn trở sự phát triển cho một xã hội bền vững, thịnh vượng. Vì một xã hội có Chân – Thiện – Mỹ thì sẽ có sự ổn định, có sự thịnh vượng, có môi trường tốt cho những đột khởi tích cực, và trên hết là có niềm tin. Khi tất cả mọi người dân đều tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng vào quốc gia, tin vào những giá trị mà mình là đại biểu và tin tưởng rằng làm điều tốt thì sẽ được đền đáp, thì đó chính là một tập thể hùng mạnh nhất.

(2) Toàn cầu hóa khiến các nền văn minh va chạm với nhau và chúng ta đang đứng giữa lựa chọn: cởi mở và thích nghi hay kháng cự lại trong một cuộc ‘thánh chiến’ văn hóa như Don Kihote đánh nhau với cối xay gió?

Cuộc sống không phải là những gì luôn bằng lặng và êm ả mãi. Quá trình hội nhập là xu thế tất yếu, chẳng có thứ văn hóa nào là vong nô hay vong bản. Mọi nền văn hóa giao thoa lẫn nhau, là tài sản chung của nhân loại, cái gì lỗi thời, lạc hậu thì dần dần bị đào thải. Sự xâm nhập, giao thoa văn hóa vẫn cứ diễn ra theo lịch sử phát triển của nhân loại, bắt đầu bằng việc từ những khu vực đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa hơn, hàng hóa sẽ ‘xâm lăng’ vào bên trong các lũy tre làng với sức mạnh khó cưỡng, và đi sau hàng hóa dần dà sẽ là lối sống, tức là văn hóa mới, sẽ bén rễ và đâm chồi nẩy lộc; vì hiển nhiên là, hiện đại hóa, đô thị hóa và những tiến bộ công nghệ có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cấu trúc xã hội, chuẩn giá trị và cách sống. Nền văn hóa của quốc gia nào ‘xâm thực’ được nền văn hóa của quốc gia khác thì quốc gia đó sẽ lớn mạnh.

Nhưng thế giới vẫn đa dạng chủ yếu là do dung chứa các nền văn hóa mang các bản sắc khác nhau. Chúng ta có những giá trị văn hóa mang tính phổ quát toàn cầu, nhưng cũng rất giàu có các nền văn hóa bản địa, vùng miền, tộc người, cộng đồng. Nên, trong khi một số nền văn hóa thích nghi và hội nhập với những thay đổi này, thì những nền văn hóa khác có thể gặp khó khăn trong việc ‘đối phó’ với quá trình chuyển đổi nhanh chóng của thế giới và họ có thể sẽ đánh mất đi bản sắc văn hóa độc đáo của mình.

(3) Trong phạm vi nào đó, văn hóa chính là đạo đức của con người. Nguyên tắc đạo đức cao nhất là phải tôn trọng sự thật, sau đó đến lẽ phải, và điều tốt (Báo Nông nghiệp Việt Nam, 2024). Một xã hội đã bảo đảm được nguyên tắc tôn trọng sự thật và lẽ phải, thì đó là một xã hội tốt đẹp. Còn khi nó (xã hội) vận hành trên dối trá và bất công thì đạo đức không những rất khó sinh ra mà còn bị băng hoại và triệt tiêu theo thời gian. Vì thế, đứng về mặt xã hội, một sự bảo đảm về sự thật và lẽ phải phải được tôn trọng, và đó là đòi hỏi đầu tiên trước khi bàn về đạo đức con người, đạo đức xã hội.

Một xã hội lý tưởng là khi ở đó, cả sự thật, lẽ phải và đạo đức (cá nhân) đều được bảo đảm, tôn trọng, và nuôi dưỡng. Sự thật và lẽ phải không được coi trọng thì việc kêu gọi đạo đức cá nhân hay xây dựng những gia đình văn hóa, làng văn hóa sẽ chỉ là khẩu hiệu, chỉ tồn tại trên các bản báo cáo, các bài diễn văn hơn là trở thành các nguyên tắc, các khế ước xã hội trong cuộc sống.

Vì thế, muốn chấn hưng đạo đức xã hội, chấn hưng văn hóa, thì đầu tiên và quan trọng nhất, là phải xây dựng một xã hội biết tôn trọng sự thật và lẽ phải. ‘Tề gia trị quốc bình thiên hạ’ gì cũng đều cần và phải dựa trên nền tảng này.

(4) Văn hóa hiện hình ở đâu? Văn hóa hiện thân ở con người. Tổ quốc không phải chỉ là một vùng đất, vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sức mạnh dân tộc thật sự đến từ văn hóa, đến từ con người. Tổ quốc hiện thân ở mỗi con người. Nước Việt Nam đẹp nhất là con người Việt Nam, chủ thể, chủ nhân và tác giả tạo dựng nên những giá trị cốt lõi nhất của một Việt Nam đầy khác biệt.  Mỗi người dân là một đại sứ của văn hóa Việt Nam.

(5) Có lẽ chưa bao giờ người Việt mất niềm tin vào nhau nhiều như hiện nay. Người ta phải đề phòng, nghi ngờ từ mớ rau, hạt gạo mua ngoài chợ, cho đến tấm bằng tốt nghiệp của cả một thế hệ, đặt dấu hỏi về đạo đức, phẩm hạnh và tài năng của những ai đó mũ cao áo dài, thì liệu chúng ta có thể rộng lòng và khoan dung để tin yêu những người xung quanh, thực lòng tin tưởng vào cộng đồng mà chúng ta gọi là đồng bào, thực lòng yêu quí và tôn trọng tự nhiên?

(6) Vậy xây dựng văn hóa bắt đầu từ đâu? Từ giáo dục, mà trước hết là giáo dục trong gia đình và sau đó là giáo dục trong nhà trường về những điều tưởng như nhỏ nhặt và bình thường nhất trong cõi nhân sinh để làm nên phẩm hạnh của một con người bình thường, nghĩa là sống tử tế, thiện lương, biết tự trọng và liêm sỉ, để bồi đắp và hình thành nên một con người ‘có văn hóa’, biết yêu con người và yêu thiên nhiên, từ đó mà hình thành nên một xã hội tốt đẹp; ở đó hệ giá trị nhân bản của con người, của cộng đồng được đề cao, được tôn vinh, chứ ko phải của cải hay tước vị.

Gia đình và nhà trường là cái nôi làm nên nhân cách con người, gia đình và nhà trường phải là nơi ươm trồng nên những con người (để làm người) trước khi họ trở thành người tài giỏi, thành ông cả bà lớn. Nhưng dường như người ta lại đang dạy các em phải thi đua lập thành tích, phải đạt điểm cao, phải đạt danh hiệu này khác, học là để sau này có điều kiện tốt mà kiếm nhiều tiền, để làm rạng danh gia tộc, làm bố mẹ nở mày nở mặt… Như vậy là, chúng ta đang dạy thế hệ tương lai về sự giả dối. Công trình nghiên cứu của GS Trần Ngọc Thêm[1] đã đưa ra các con số đau buồn về thực trạng này; chả lẽ sự giả dối lại là một phần trong văn hóa của người Việt mới?

4. BÀI HỌC VÀ KHUYẾN NGHỊ

4.1. Bài học từ thực tế

Từ thực tế, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất: Một nền văn hóa chỉ có thể trường tồn nếu nó biết đề cao tính cởi mở và tự do cảm nhận của từng cá nhân và của cả cộng đồng. Chính sách về văn hóa, vì thế, cần đảm bảo được tự do tư tưởng, thúc đẩy văn hóa và sáng tạo thực sự thì nền văn hóa đó mới có sức mạnh tập thể để trường tồn (Nguyễn Khắc Giang, 2021). Các nền văn hóa bản địa ấy chỉ phát triển mạnh mẽ khi các cộng đồng có cơ hội và nguồn lực để định hình cảnh quan văn hóa, không gian văn hóa của riêng họ. Bằng cách tôn vinh sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy các thực hành bền vững, chúng ta có thể góp phần vào sự phát triển và sự thịnh vượng của các nền văn hóa phong phú, sôi động và đa dạng cho các thế hệ tương lai.

Thứ hai: Để văn hóa Việt Nam phát triển trong thế giới đa sắc màu và nhiều va chạm thì tư duy cởi trói, hạn chế tối đa những vùng cấm; thay vào đó là sự hướng dẫn và tạo điều kiện để văn hóa được phát triển tự nhiên hơn; Vì, trong thời đại toàn cầu hóa, hầu như không ai có thể ‘cấm’ được cái gì hết, và trong đa số các trường hợp, cấm đoán còn mang đến các tác động ngược chiều. Nếu chúng ta còn loay hoay để cố định những giá trị luôn biến thiên theo thời gian, chúng ta sẽ còn bị kẹt lại trong chiếc lồng tưởng tượng của chính mình (Nguyễn Khắc Giang, 2021).

Thứ ba: Bảo tồn văn hoá bản địa gắn với BVMT là việc làm tất yếu, đảm bảo nguyên tắc “để cộng đồng tự quản lý môi trường của mình” trong phát triển bền vững của các địa phương. Đây là phương thức để thực hiện việc trao quyền cho người dân và tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động đề cao văn hóa vào công cuộc BVMT.

Thứ tư: Bảo tồn văn hoá bản địa gắn với BVMT cần chú ý đảm bảo các lợi ích kinh tế, phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư hướng tới sự gắn kết hữu cơ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, xã hội với BVMT.

Thứ năm: Phát huy văn hoá bản địa trong BVMT cần phải có sự chọn lọc ở đó các giá trị văn hoá tiên tiến, phù hợp với thời đại, hài hoà với tự nhiên cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy; Ngược lại những nét văn hoá đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, đã thành hủ tục hoặc không phù hợp với các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, BVMT cần phải được xem xét để điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoặc loại bỏ.

Thứ sáu: Văn hoá bản địa bao hàm nhiều trí thức quý báu của các cộng đồng dân cư về nơi họ sinh sống và làm việc, các tri thức này có thể ứng dụng tốt trong quản lý tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, các tri thức bản địa cần phải được hệ thống hoá, sử dụng kết hợp với các kiến thức khoa học tiên tiến và công nghệ - kỹ thuật hiện đại để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

Thứ bảy: Cần thiết phải có những quy định, cơ chế cụ thể trong việc phát huy vai trò của các luật tục hoặc quy định của cộng đồng trong BVMT. Phải lồng nghép các nội dung BVMT theo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào các quy định của thôn bản, cộng đồng (quy ước, luật tục) để các nội dung này đi vào cuộc sống của cộng đồng một cách tự nhiên và đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ tám: Giải pháp cần thiết để bảo tồn văn hóa bản địa và BVMT bao gồm ba nhóm chính, đó là Giáo dục nâng cao nhận thức, Tăng cường sự tham gia và hợp tác của các cộng đồng và Hoàn thiện thể chế với các chính sách hỗ trợ phù hợp để những can thiệp được triển khai một cách thuận lợi nhất có thể. Đối với một số cộng đồng mang tính đặc thù, sở hữu những nét văn hóa đặc sắc, thì có thể áp dụng thêm biện pháp phát triển du lịch trải nghiệm. Về mặt nguyên lý, giải pháp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và quốc gia phải được xây dựng dựa trên sự cân bằng giữa bản tồn văn hóa, BVMT và phát triển kinh tế - xã hội.

4.2. Khuyến nghị các giải pháp

Để việc bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa gắn liền với công tác BVMT nông thôn đạt hiệu quả cao, chúng ta cần quan tâm đầy đủ và đúng mức đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Nhà nước và các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy định, cơ chế cụ thể khuyến khích việc lồng nghép yếu tố văn hoá với các hoạt động BVMT, cụ thể là lồng ghép việc đề cao vai trò của văn hóa trong công cuộc BVMT vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia khác, các dự án, đề án phát triển kinh tế - văn hóa - môi trường - xã hội của địa phương.

Các chủ trương, chính sách về bảo tồn văn hóa bền vững cũng cần phát huy vai trò của người dân trong việc nâng cao hiệu quả tác động của văn hóa địa phương đối với BVMT, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và ngày càng khốc liệt, bất thường hơn. 

Thứ hai: Tôn trọng và lưu giữ cấu trúc kinh tế - văn hóa - xã hội của cộng đồng, nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt, đặc hữu của mỗi vùng, mỗi tộc người; gắn bảo tồn di sản văn hóa và tri thức bản địa với phát triển bền vững và BVMT.

Thứ ba: Hệ thống hoá tri thức bản địa của các cộng đồng, các vùng miền trong cả nước thành những tài liệu khoa học để lưu trữ, phổ biến và ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống thực tế. Coi phát huy văn hoá bản địa là một công cụ hữu hiệu để đạt được các mục tiêu về BVMT và phát triển kinh tế, tăng cơ hội và khả năng tham gia của cộng đồng trong các quyết định liên quan tới quản lý tài nguyên và BVMT.

Thứ tư: Tiếp tục khuyến khích và đẩy mạnh các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các mô hình quản lý tài nguyên thiên, quản lý môi trường dựa vào cộng động nhằm đạt được hiệu quả tổng hợp trên cả khía cạnh BVMT, phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân.

Thứ năm: Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức BVMT cho cộng đồng cư dân và các cấp quản lý về những lợi ích của việc phát huy, đề cao văn hóa bản địa trong công tác BVMT; kết hợp với đào tạo, đào tạo lại, nghe hiểu, thực hành từ trải nghiệm và tự giáo dục, giáo dục lẫn nhau trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa trong công tác BVMT.

5. KẾT LUẬN

5.1. Vai trò của văn hóa là hướng con người tới các hệ giá trị Chân - Thiện - Mỹ, nên trong chiến lược BVMT chung của quốc gia hay các kế hoạch BVMT của địa phương, đều cần phải phát huy được vai trò của văn hóa. Đó chính là mục tiêu mà cũng là giải pháp hữu hiệu nhất, lâu dài nhất, bền vững nhất trong công cuộc BVMT.

5.2. Thái độ đối với tự nhiên, ứng xử đối với con người chính là văn hóa; thê nên, BVMT là một nét văn hóa của con người cá nhân và con người xã hội. Trong thời đại ngày nay, khi nhân loại đang cận kề với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, khi giới tự nhiên đã bị khai thác và tàn phá nặng nề thì việc đề cao lối sống hoà hợp với tự nhiên, nâng quan điểm đó thành một triết lý hành động mang ý nghĩa sống còn. Thêm vào đó, thế giới quan truyền thống phương Đông trong việc đối xử với tự nhiên lại là cơ sở văn hóa tin cậy cho việc tôn vinh triết lý này.  Cần phải đưa quan điểm của chủ nghĩa Mác và triết lý phương Đông vào các chính sách đề cao văn hóa để BVMT bền vững của nước ta. Trong công cuộc văn hóa này, cuộc vật lộn để ‘thuần hóa’ tự nhiên cũng sẽ diễn ra thuận hòa, vì nó ‘thuận thiên’, hợp với ‘lẽ trời’, hợp với qui luật của sự phát triển.

5.3. Con người thế nào thì xã hội thế ấy, xã hội thế nào thì con người thế ấy; xã hội của chúng ta hiện nay hình như đang bị ‘loạn’ giá trị.  Có nhiều nguyên nhân của việc hệ giá trị đang bị biến dạng và méo mó, trong đó có nguyên nhân từ mục tiêu, vai trò và sứ mệnh của giáo dục. Có người cho là, nền giáo dục của chúng ta không chỉ là đang lạc hậu với thế giới, mà dường như cũng đang bị lạc hướng so với các giá trị trong ‘đạo học’ của cha ông. Hàng trăm ngàn học sinh phổ thông tìm đến các chân trời xa lạ để ‘tị nạn giáo dục’ là một minh chứng cho hiện thực này. Vì BVMT cũng là một nhân tố văn hóa; nên, để BVMT bền vững cần phải chấn hưng văn hóa qua giáo dục, từ giáo dục.

5.4. Do đó, để xây dựng nên văn hóa BVMT, hãy bắt đầu bằng việc giáo dục, dạy bảo đứa trẻ những điều cơ bản nhất về ý thức BVMT như bỏ rác vào thùng rác, không bẻ cây xanh, yêu mến các loài muông thú. Qua đó dần hình thành lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn cho các công dân tương lai; BVMT không còn là ‘gánh nặng’ của nghĩa vụ và trách nhiệm mà trở thành một nét văn hóa, trở thành niềm vui và hạnh phúc của con người. Nhờ thế, chúng ta có thể sẽ phục hưng được các giá trị tinh thần tốt đẹp của văn hoá nước nhà và thế giới văn minh đã bị mai một.

5.5. Con người cá nhân, con người xã hội và Tự nhiên vốn là một hệ thống thống nhất, ở đó con người với các hoạt động sống và sản xuất đã tạo ra những đặc trưng xã hội cụ thể cho mỗi vùng miền (nét văn hoá) giúp họ sống hoà nhập và gắn kết với tự nhiên. Do đó, bảo tồn văn hoá bản địa là con đường tất yếu để con người hay các cộng đồng sống hoà hợp, dung hoà với môi trường sống của chính mình, là cách để BVMT bền vững nhất. Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các tri thức bản địa vẫn còn nguyên những giá trị quý báu của nó, việc sử dụng kết hợp các tri thức bản địa với kiến thức khoa học và công nghệ tiên tiến sẽ tạo ra hiệu quả tổng hợp, giúp Nhà nước vừa đạt được mục tiêu BVMT, phát triển kinh tế vừa giữ gìn, phát huy được những nét văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc anh em của nước ta.

5.6. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa gắn với BVMT nông thôn, cần thiết phải cụ thể hóa các chủ trương, cơ chế và chính sách của Đảng và Nhà nước ở cấp địa phương, đồng thời coi đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết liên quan đến sự phát triển của các ‘vùng văn hóa bản địa’. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đòi hỏi cần nỗ lực từ nhiều phía trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường của cộng đồng; trong đó khung pháp lý có vai trò mở đường và kiến tạo nên những giá trị mới.

5.7. Để giải quyết các thách thức về môi trường hiện nay cần thực hiện nhiều giải pháp kết hợp: ngoài việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghiên cứu phát triển các công nghệ sạch, thân thiện môi trường để áp dụng trong sản xuất và xử lý chất thải thì cần có sự quan tâm, tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng. Để làm được điều đó, cùng với giáo dục, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên; hình thành nên những nét mới trong công tác BVMT, tạo lập nên văn hóa BVMT.

5.8. Trong thời đại ngày nay, môi trường không chỉ là không gian sinh tồn và phát triển của cộng đồng, môi trường còn là sức mạnh cạnh tranh và giá trị gia tăng của nông sản Việt, của hàng hóa Việt. Một hạt gạo hữu cơ, một trái bơ theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap hay một cái bàn, một cân cà phê được làm theo các yêu cầu, qui định của EUDR[2] có giá trị và được yêu mến cao hơn nhiều các hạt gạo, trái bơ hay cái bàn, ly cà phê thông thường khác, vì đó là sản phẩm của nền nông nghiệp carbon thấp, vì đó là sản phẩm của một nền nông nghiệp có trách nhiệm. BVMT trong thời đại ngày nay là bảo vệ và nâng cao các giá trị văn hóa Việt hàm chứa trong mỗi sản phẩm made in Vietnam trong một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng và sôi động hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ban Tôn giáo Chính phủ, 2023. Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. NXB Tôn giáo.

Báo Nông nghiệp Việt Nam, 2024. Lẽ phải, đạo đức cá nhân và trách nhiệm xã hội. https://nongnghiep.vn/le-phai-dao-duc-ca-nhan-va-trach-nhiem-xa-hoi-d379931.html.

Bộ TN&MT, 2016. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.

Đặng Hoàng Hải, 2022. Cơ sở biên soạn và mô hình cấu trúc bách khoa thư di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam. Những vấn đề bách khoa thư, 8.

Đỗ Lai Thúy, 2024. Con người phải là trọng tâm của việc chấn hưng văn hóa. Tạp chí điện tử Người đô thị; https://nguoidothi.net.vn/con-nguoi-phai-la-trong-tam-cua-viec-chan-hung-van-hoa-42490.html.

Hồ Sĩ Quý, 2023. Đông và Tây: Về triết lý con người "chinh phục tự nhiên" và "hòa hợp với tự nhiên". https://nghiencuuquocte.org/2023/08/05/dong-va-tay-ve-triet-ly-con-nguoi-chinh-phuc-tu-nhien-va-hoa-hop-voi-tu-nhien/#_ftn9.

Hoàng Thị Hoa, 2021. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chiến lược và chính sách dân tộc 10 (2), 6. https://doi.org/https://doi.org/10.25073/0866-773X/537.

Hoàng Văn Quynh, 2015. Luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam (Qua Luật tục của một số dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên). VNU Journal of Science: Social Sciences and Humanities 31 (3).

Lê Thị Bích Thủy, 2023. Phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch bền vững hiện nay. Chiến lược và chính sách dân tộc 12 (1), 26-31.

Nguyễn Khắc Giang, 2021. Tính Việt. VNExpress; https://vnexpress.net/tinh-viet-4393576.html.

Nguyễn Phú Trọng, 2021. Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tạp chí Cộng sản, p. 3.

Nguyễn Quang Dương, 2001. Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguyễn Trùng Khánh, 2023. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Tạp chí Cộng sản [Online, 28/08/2023].

Nguyễn Việt Huy và Hoàng Thị Cẩm Tú, 2023. Yếu tố văn hóa bản địa trong thiết kế kiến trúc đương đại. https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/yeu-to-van-hoa-ban-dia-trong-thiet-ke-kien-truc-duong-dai.html

Paul Mundy, 1993. Indigenous knowledge and Communication: Current Approaches. Submitted to Development. The Journal of the Society for International Development. http://www.mamud.com/Docs/ik_and_ic.pdf.

Phạm Xuân Hoàng, Phạm Thị Xuân Nga, Nguyễn Thị Lạng, 2022. Luật tục Ê-đê về bảo vệ tài nguyên môi trường trong mối tương quan với pháp luật hiện nay. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam  (5), 12.

Tran Duc Vien, 2003. Culture, Environment, and Farming Systems in Vietnam’s Northern Mountain Region. Southeast Asian Studies 41 (2), 180-205.

Trần Hồng Lưu, 2022. Động lực văn hóa để phát triển bền vững đất nước trong điều kiện hiện nay. Tạp chí Khoa học Xã hội 3 (282), 39-48.

Trịnh Thị Hạnh, 2024. Biến đổi văn hóa sinh kế trong phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Văn hóa truyền thống và phát triển 13 (2), 100-106. https://doi.org/https://doi.org/10.54163/ncdt/299.

Trịnh Thị Thủy, 2020. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2020, những đề xuất cho giai đoạn 2021-2023. Tạp chí Chiến lược và chính sách dân tộc. 10(1): p. 6.

Trương Quốc Bình, 2016. Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam. VNU Journal of Science: Social Sciences and Humanities 32 (1S).

UNESCO, 2010. Teaching and learning for a sustainable future; Module 11: Indigenous knowledge and sustainability. http://www.unesco.org/education/tlsf/docs/module_11.doc

 



[1] Trong một khảo sát được công bố mới đây của nhóm nghiên do Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm chủ trì cho thấy, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.

Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh tiểu học là 22%, học sinh trung học cơ sở là 50%, học sinh trung học phổ thông là 64% và sinh viên đại học là 80%! ( http://dantri.com.vn/su-kien/giao-su-tran-ngoc-them-tinh-hieu-hoc-can-cu-cua-nguoi-viet-chi-la-huyen-thoai-20161213071952913.htm)

[2] Quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR – EU Deforestation-free Regulation)