Hướng dẫn chi tiết Quy trình lấy mẫu nước xét nghiệm

AGG  16/12/2022 

Hướng dẫn chi tiết Quy trình lấy mẫu nước xét nghiệm tại Hà Nội, Tỉnh để biết được chi tiết các chỉ tiêu trong nguồn nước uống trực tiếp và nguồn nước sinh hoạt các chỉ tiêu cơ bản như TDS, Clo, Asen, Canxi, Amoni, Mangan và Sắt…

Ngày nay có rất nhiều đơn vị sử dụng các dụng cụ để thử nước như: bút đo TDS, máy điện phân, máy phân tích nước đa năng mini,....thực tế các dụng cụ đó chỉ đo được các chỉ số tổng quan mang tính chất "ĐỊNH TÍNH". Để kiểm tra nguồn nước uống trực tiếp, nước sinh hoạt có đạt tiêu chuẩn hay không thì chúng ta cần biết về "ĐỊNH LƯỢNG".

                                 Hướng dẫn chi tiết Quy trình lấy mẫu nước xét nghiệm

Thực tế, dù nước nhìn rất trong nhưng có thể hàm lượng các kim loại nặng, khí hóa lỏng, hàm lượng tạp chất hữu cơ,.... lại vượt quá quy chuẩn cho phép. Cách tốt nhất và được khuyến cáo là bạn nên đem mẫu nước đến các Đơn vị phân tích được cơ quan quản lý cấp chứng nhận để xét nghiệm. Và để kết quả xét nghiệm có độ chính xác cao, quý khách hàng cần tuân thủ quy trình lấy mẫu nước xét nghiệm như sau. Nếu không thực hiện đúng thì sẽ dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác:

I. XÁC ĐỊNH CHỈ TIÊU - QUY CHUẨN CẦN XÉT NGHIỆM:

  • Quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2009/BYT về nước dùng trong ăn uống
  • Quy chuẩn quốc gia QCVN 02:2009/BYT về nước dùng trong sinh hoạt
  • Quy chuẩn quốc gia QCVN 6-1:2010/BYT về nước uống đóng chai

Mỗi quy chuẩn có hàng loạt tiêu chí cần xét nghiệm, bên cạnh đó đặc trưng nguồn nước ở từng vùng cũng khác nhau. Cho nên, để kết quả xét nghiệm nước vừa chính xác mà vừa tiết kiệm chi phí thì bạn nên lựa chọn những chỉ tiêu cơ bản để xét nghiệm như Asen, Canxi, Amoni, Mangan và Sắt …

                             Hướng dẫn chi tiết Quy trình lấy mẫu nước xét nghiệm

II. QUY TRÌNH CHUẨN BỊ DỤNG CỤ

1. Chai chứa mẫu nước: Sạch, bằng nhựa hoặc thủy tinh. Nút bằng nhựa (không được lót giấy) hoặc thủy tinh.

2. Vị trí lấy mẫu nước:

  • Nước giếng: bật bơm giếng cho nước chảy xả bỏ 5 – 10 phút.
  • Nước mặt: chọn vị trí giữa dòng, lấy mẫu ở độ sâu cách mặt nước 0,1m.

3. Lấy mẫu kiểm nghiệm hóa lý:

  • Rửa sạch chai nhiều lần bằng nước nguồn cần lấy mẫu.
  • Cho nước vào đầy chai. Đậy kín nắp.

4. Lấy mẫu kiểm nghiệm vi sinh, nitrit:

  • Nên chọn chai và nút thủy tinh, sấy tiệt trùng cả chai lẫn nút trước khi lấy mẫu.
  • Khử trùng bên trong và ngoài vòi lấy mẫu và tay của người lấy mẫu bằng cồn.
  • Cho nước vào gần đầy chai (chừa một khoảng không khí). Đậy kín nắp.

Lưu ý: Tốt nhất là cho mẫu vào thùng đá bảo quản khi chuyển đến phòng thí nghiệm

5. Dung tích mẫu: Tùy theo các chỉ tiêu kiểm nghiệm mà tính toán lượng mẫu cần lấy.

  • Xét nghiệm hóa lý 13 chỉ tiêu: 1 lít nước mẫu.
  • Xét nghiệm vi sinh: 0,5 lít mẫu giữ lạnh (không quá 24 giờ).
  • Xét nghiệm nước uống đóng chai: 4 lít nước mẫu để xét nghiệm hóa lý và 2 lít nước mẫu giữ lạnh để xét nghiệm vi sinh, chứa trong chai thành phẩm. Tất cả đều lấy đầy chai và đậy kín.

6. Bảo quản mẫu: Mẫu phải được chuyển ngay đến phòng thí nghiệm để tránh các phản ứng sinh hóa xảy ra làm sai lệch kết quả.

Trong trường hợp đặc biệt, cần gọi điện thoại đến Phòng kiểm nghiệm để được tư vấn thêm về hóa chất bảo quản mẫu tùy theo từng chỉ tiêu xét nghiệm.

Dưới đây là địa chỉ có phòng xét nghiệm nước đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn:

Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh AGG
Địa chỉ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, tp Hà Nội

Ở các tỉnh thành bạn có thể mang mẫu nước tới các viện Viện Vệ Sinh Y Tế để được xét nghiệm các chỉ tiêu chi tiết trong nguồn nước đang sử dụng.